Khi đi học, sẽ có những lúc sinh viên đạt kết quả tốt, đạt điểm số cao như mong đợi. Tuy nhiên, nếu lơ là việc học thì các em cũng có thể phải đối mặt với kết quả học tập kém, thậm chí liên tục bị điểm thấp. Đó là câu chuyện bình thường mà bất kỳ sinh viên nào cũng hiểu được. Nhưng nếu các em đã cố gắng chăm chỉ học tập nhưng vẫn chưa giỏi, vẫn cảm thấy mình học dốt hơn bạn bè thì phải làm sao? Khi đó, cảm giác thất vọng về bản thân sẽ tăng lên đỉnh điểm, nhất là khi sinh viên so sánh mình với bạn bè và thấy mình thua kém họ…
>> 5 lý do khiến sinh viên rớt môn ở đại học
Thất vọng về bản thân khi mình học dốt
Học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên, các em phải cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ học tập để nắm vững kiến thức chuyên ngành, thì sau này ra trường đi làm mới có được công việc tốt, mới nhanh chóng thích nghi và hoàn thành những việc được giao. Chính vì thế, nếu liên tục có kết quả học tập không tốt, bị gắn mác “học dốt”, thì chắc chắn sinh viên sẽ cực kỳ buồn và thất vọng về bản thân. Đặc biệt, sinh viên năm cuối sẽ càng áp lực hơn khi gần kết thúc chương trình học mà điểm trung bình tích luỹ của mình vẫn còn thấp, chưa đủ để đạt xếp loại tốt nghiệp như mong muốn, sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm khi ra trường và bị phụ huynh trách mắng, từ đó, các em lại càng thất vọng về bản thân hơn.
Nguyên nhân chính thường sẽ xuất phát từ sự tập trung khi học của sinh viên, tức là các em cảm thấy mình cực kỳ chăm chỉ, cố gắng, học ngày học đêm nhưng vẫn chưa giỏi, đó là vì các em chưa tập trung trong lúc học, dẫn tới việc khó lòng tiếp thu kiến thức và mang về kết quả học tập chưa tốt. Từ đó, kéo theo cảm giác tự ti về năng lực bản thân, cho rằng mình yếu kém, rồi tự đâm ra stress, buồn, thất vọng về bản thân và luôn mang theo bên mình một nguồn năng lượng tiêu cực…
Thất vọng về bản thân khi thua kém bạn bè
Bên cạnh áp lực học tập, thì sinh viên ngày nay, đặc biệt là gen Z, thường sẽ cực kỳ quan tâm đến năng lực bản thân và sẽ dễ bị thất vọng khi thấy bản thân mình thua kém bạn bè đồng trang lứa. Nếu chỉ thua kém bạn bè về hoàn cảnh, về tài chính gia đình, thì điều đó hoàn toàn bình thường, nhưng nếu các em thấy mình thu kém bạn bè về năng lực, thấy xung quanh mình quá nhiều bạn giỏi hơn mình, vững kiến thức hơn, thạo nhiều kỹ năng mềm hơn, năng động, sáng tạo, trưởng thành hơn mình,… thì điều đó sẽ dễ chạm tới lòng tự ái và khiến sinh viên thất vọng về bản thân.
Thật ra, xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, hoàn cảnh mỗi người cũng khác nhau, chặng đường phát triển bản thân của các bạn ấy cũng phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách mà các em không thể biết được. Chính bản thân các em cũng thế, khi gặp phải những thử thách, khó khăn trên hành trình học tập, rèn luyện bản thân, thì các em đã mạnh dạn đối mặt và vượt qua chưa? Vì cuộc sống sẽ rất công bằng, những ai nỗ lực nhiều, cố gắng nhiều, thì sẽ hoàn thiện bản thân hơn, còn những ai chưa đủ cố gắng, thì tất nhiên khi nhìn xung quanh sẽ thấy mình đang thua kém bạn bè.
>> Thử thách giúp bạn trưởng thành và tự tin vào đời
Điều gì sẽ xảy ra khi không tin vào bản thân mình?
Thất vọng về bản thân là một loại cảm xúc bình thường của con người mà bất kỳ ai cũng có, kể cả người lớn, chứ không riêng gì sinh viên. Chính vì thế, sinh viên hoàn toàn có thể buồn, có thể thất vọng về bản thân, nhưng đừng để điều đó kéo dài quá lâu, đừng để nó khiến tâm trạng mình quá tệ, lúc nào cũng mang bên mình năng lượng tiêu cực, vì điều đó sẽ mang lại nhiều hậu quả khôn lường. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi sinh viên thất vọng về bản thân, không tin vào bản thân mình?
Các em còn không tin bản thân mình, thì làm sao người khác tin các em, khi xin việc làm sao nhà tuyển dụng có thể tin tưởng lựa chọn một ứng viên đang quá tự ti về năng lực bản thân? Tức là chính việc thiếu niềm tin vào bản thân sẽ chặn đứng khả năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên. Đừng để hậu quả ấy xảy ra, thay vì cứ luôn buồn bã, tiêu cực, thất vọng về bản thân, thì các em hãy có những hành động thiết thực để lật ngược tình thế, để mình có thể học tốt hơn, nâng cao năng lực bản thân hơn để không còn tự ti khi so sánh với bạn bè xung quanh nữa.
Sinh viên phải làm sao để có kết quả học tập tốt hơn?
Để có kết quả học tập tốt hơn, thì tất nhiên sinh viên phải tập trung thời gian và nỗ lực cho việc theo đuổi mục tiêu đó. Đầu tiên, các em cần phân bổ thời gian biểu học tập sao cho hợp lý, để đảm bảo mình vừa đủ thời gian học trên lớp, vừa có thời gian để ôn bài, làm bài tập đầy đủ mỗi ngày. Đồng thời, trong các buổi học, sinh viên cần tập trung nghe giảng để đảm bảo mình hiểu bài, chỗ nào chưa rõ thì hãy mạnh dạn hỏi lại giảng viên. Khi về nhà, thì tất nhiên các em cần phải tập trung ôn bài, làm bài tập một cách chất lượng, tức là làm sao để mình hiểu rõ, hiểu sâu kiến thức, chứ đừng chạy theo số lượng, đừng cố gắng giải càng nhiều bài tập càng tốt, nhưng thực chất lại chưa nắm rõ nội dung môn học.
Học tài thi phận, điểm số ở đại học cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không phải chỉ cần sinh viên chăm chỉ, cố gắng học tập thì sẽ mặc định được điểm cao. Thông thường, sinh viên sẽ phải làm bài tiểu luận nhóm, thuyết trình nhóm để lấy điểm giữa kỳ, hoặc cũng có thể có thêm phần điểm chuyên cần. Hãy đảm bảo rằng mình sẽ hoàn thành tốt để lấy những phần điểm ấy một cách trọn vẹn. Ngoài ra, khi làm bài kiểm tra giữa kỳ và bài thi cuối kỳ, sinh viên cần phải bình tĩnh, tập trung, đọc kỹ đề, làm bài thật kỹ lưỡng, phân bổ thời gian làm bài hợp lý để đạt kết quả tốt nhất.
Nỗ lực lội ngược dòng để nâng cao năng lực bản thân
Có thể ở thời điểm hiện tại các em đang thất vọng về bản thân vì năng lực của mình đang thua kém bạn bè xung quanh, chẳng hạn như ngại ngùng khi giao tiếp, bị run khi thuyết trình trước lớp, không biết cách làm việc nhóm, quản lý thời gian chưa tốt, cảm thấy mình chưa đủ năng động và trưởng thành,… nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các em sẽ mãi mãi thua kém bạn bè. Bất kỳ hành động nào của các em ở thời điểm hiện tại cũng có thể làm thay đổi tương lai, giúp mình trở thành một phiên bản tốt hơn trong tương lai. Hãy nỗ lực lội ngược dòng để nâng cao năng lực bản thân, mình đang yếu chỗ nào thì trau dồi thêm chỗ đó, đang chưa tự tin ở chỗ nào thì rèn luyện thêm chỗ đó.
Tất nhiên, sinh viên sẽ không thể nào giỏi lên ngay lập tức, vì điều gì cũng cần có thời gian, nhất là việc nâng cao năng lực bản thân. Điều quan trọng là các em không ngừng nỗ lực, cố gắng và quyết tâm để thay đổi chính mình, để sau này nhìn lại sẽ tự hào hơn về bản thân, tự hào về những gì mà mình đã nỗ lực để trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn, để lấy lại niềm tin vào bản thân. Hãy cố lên nhé, chúc các em thành công!
>> Rớt môn, điểm kém, học lực chưa giỏi – Làm thế nào để lội ngược dòng?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.