Đứng trước các câu hỏi phỏng vấn liên quan tới chuyên môn, bạn sẽ dễ dàng vượt qua được nếu bản thân mình đang vững vàng kiến thức, nắm vững các nghiệp vụ công việc. Tuy nhiên, với các câu hỏi phỏng vấn liên quan tới phong cách làm việc, quan điểm cá nhân, thì mỗi người mỗi ý, nhiều khi cách trả lời của bạn nó lại không đúng với những gì nhà tuyển dụng kỳ vọng, hoặc tệ hơn là nó trái ngược hoàn toàn với điều công ty mong muốn. Chẳng hạn như với câu hỏi phỏng vấn “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?”, nếu không biết cách trả lời sao cho khéo và hợp lý, thì khả năng cao bạn sẽ bị loại.
>> Có nên chọn công việc phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ?
Nhà tuyển dụng hỏi về việc làm thêm giờ để làm gì?
Trước khi đi sâu vào cách trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?”, bạn cần hiểu được mục đích nhà tuyển dụng hỏi câu này để làm gì. Đây là một câu hỏi đa mục đích, nhằm xác định và đánh giá nhiều khía cạnh liên quan tới thái độ làm việc, sự chăm chỉ và trách nhiệm trong công việc của bạn. Đầu tiên, về thái độ làm việc, nhà tuyển dụng muốn biết rằng bạn có sẵn sàng làm việc một cách thoải mái cho dù đã hết giờ làm việc, hay bạn là người sẽ thấy khó chịu, bực bội khi phải ở lại công ty làm thêm giờ buổi tối/cuối tuần.
Tiếp theo, về sự chăm chỉ, bạn là người hết giờ làm việc sẽ đứng lên đi về ngay, hay là phải kiểm tra lại xem mình còn việc nào cần hoàn thành thêm không, và sẵn sàng làm cho xong không. Cuối cùng, về trách nhiệm trong công việc, lỡ có những công việc cấp bách, deadline gấp rút, đòi hỏi bạn phải tăng ca, làm thêm giờ để đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ, thì bạn có sẵn lòng làm thêm giờ không, điều này sẽ đánh giá rằng bạn là người có trách nhiệm với công việc. Tóm lại, với câu hỏi phỏng vấn này, nếu trả lời không khéo, chưa nêu bật được những tiêu chí mà nhà tuyển dụng quan tâm, thì bạn sẽ phải nhận điểm trừ và nhiều khi sẽ bị mất cơ hội việc làm vào tay ứng viên khác.
Làm thêm giờ có chứng minh rằng bạn chăm chỉ không?
Khi phỏng vấn, được nhà tuyển dụng hỏi “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?”, một số ứng viên sẽ cố gắng chứng minh rằng mình cực kỳ chăm chỉ, xem chuyện làm thêm giờ là điều bình thường. Thật ra, chuyện làm thêm giờ một cách bất chấp chưa chắc sẽ chứng minh rằng bạn là người chăm chỉ, vì trên thực tế cũng có một số nhân viên vừa làm vừa chơi, khiến công việc bị trì hoãn, nên phải luôn ở lại làm thêm giờ, vậy là chăm chỉ dữ chưa?
Thậm chí, một số người còn thẳng thừng chê bai những ai không sẵn sàng làm thêm giờ, hết giờ đứng lên về ngay. Đây là điều không nên, vì quan điểm làm việc của mỗi người mỗi khác, bạn không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên tất cả mọi người, và quy chụp rằng những ai không chịu làm thêm giờ đều là những người lười biếng. Đồng thời, cách trả lời như thế cũng sẽ tạo ấn tượng xấu về bạn trong mắt nhà tuyển dụng, vì nó mang tính tiêu cực, soi mói, đố kỵ, sợ rằng sau này bạn làm việc sẽ có nhiều điều tương tự gây xích mích với đồng nghiệp, gây mất đoàn kết nội bộ trong công ty.
Không nên thẳng thừng từ chối chuyện tăng ca
Khi đứng trước câu hỏi phỏng vấn “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?”, bạn không nên thẳng thừng từ chối chuyện làm thêm giờ, càng không nên gay gắt phản đối điều này, đừng thể hiện quá rõ ràng về quan điểm “tôi sẽ không làm thêm giờ”, vì điều đó chứng minh rằng bạn là một người làm việc quá cứng nhắc, lỡ sau này có những lúc cấp bách, khối lượng công việc nhiều, deadline gấp rút, công ty cần nhân viên đồng lòng ở lại tăng ca, làm thêm giờ, thì sẽ thế nào?
Sẽ chẳng có công ty nào chấp nhận tuyển vào một nhân viên quá cứng nhắc, và nói không với chuyện tăng ca, làm thêm giờ. Khi trả lời thế này thì chính bạn đang tự tước đi cơ hội việc làm của mình, cho dù năng lực của bạn có giỏi tới đâu, có xuất sắc đến mức nào, có khả năng đóng góp bao nhiêu giá trị cho công ty, nhưng trả lời thẳng thừng thế này thì cũng xem như thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, không phù hợp văn hoá công ty.
Ngoài ra, nếu bạn không thích làm thêm giờ, luôn cố gắng lựa chọn các công việc không yêu cầu nhân viên phải tăng ca, thì bạn đang tự thu hẹp cơ hội việc làm của chính mình. Ngoài ra, chính điều này cũng có thể kiềm hãm năng lực của bạn, vì thường các công việc không yêu cầu làm thêm giờ sẽ là những đầu việc đơn giản, thiếu tính thử thách, thiếu áp lực, nếu cứ mãi theo đuổi những công việc như thế thì bạn sẽ khó lòng nâng cao khả năng làm việc của bản thân. Áp lực tạo kim cương, công việc càng phức tạp, càng áp lực, có những lúc phải tăng ca, thì mới giúp bạn rèn dũa bản thân được.
Không nên đồng ý tăng ca một cách quá dễ dàng
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, bạn càng không nên đồng ý làm thêm giờ một cách quá dễ dàng về chuyện làm thêm giờ với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn xin việc. Nếu trả lời rằng mình luôn sẵn sàng làm thêm giờ mọi lúc, trong mọi trường hợp, chỉ cần công ty yêu cầu thì mình luôn trong trạng thái sẵn sàng, gạt bỏ mọi công chuyện cá nhân để ở lại tăng ca, cống hiến cho công việc, thì chính bạn đang tự làm khó mình.
Lỡ sau này mình có việc cá nhân đã hẹn trước, hoặc có việc gì cấp bách hơn, rồi từ chối ở lại làm thêm giờ, không giữ đúng lời đã nói khi phỏng vấn, thì các sếp trong công ty sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm, cho rằng bạn trở mặt, nói được mà không làm được. Hoặc nhiều khi bạn ngại quá, vì đã lỡ tuyên bố làm thêm giờ thoải mái rồi, nên lại phải tự cancel các lịch hẹn cá nhân, để ở lại công ty tăng ca, nói chung là bất tiện vô cùng. Bạn không nhất thiết phải xuống nước, hạ mình với công ty như thế, ai cũng có cuộc sống cá nhân, cần khoảng thời gian riêng tư, chứ đâu thể nào luôn sẵn sàng làm thêm giờ được.
Trả lời sao cho khéo: Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?
Vậy khi được nhà tuyển dụng đặt câu hỏi phỏng vấn “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?”, thì bạn nên trả lời sao cho khéo? Đầu tiên, bạn cần tránh cách trả lời theo kiểu nếu công ty trả lương OT, thì em sẵn sàng làm thêm giờ, và càng không nên đặt câu hỏi ngược lại rằng “Công ty mình có trả lương tăng ca khi nhân viên làm thêm giờ không?”, vì những điều đó không phải là những khía cạnh mà nhà tuyển dụng quan tâm, muốn khai thác ở ứng viên khi đặt ra câu hỏi phỏng vấn này. Ngoài ra, điều đó cũng cho thấy rằng bạn là một người quá đòi hỏi quyền lợi, mặc dù đó là quyền lợi chính đáng, nhưng cũng cần tế nhị một chút, không nên hỏi thẳng ngay từ đầu. Tiếp theo, bạn cần xác định rõ quan điểm của bản thân về chuyện làm thêm giờ, bạn không thể “yes” hoặc “no” một cách quá rạch ròi, mà cần phải biết cách linh hoạt, tuỳ thời điểm, tuỳ trường hợp, tuỳ vào mức độ quan trọng và cấp bách nữa. Tức là bạn vẫn có tinh thần trách nhiệm với công việc, vẫn sẵn sàng làm thêm giờ khi điều đó thật sự cần thiết, chứ không phải luôn bất chấp tất cả để làm thêm giờ mọi lúc mọi nơi.
Để trả lời câu hỏi phỏng vấn này, bạn cần mở đầu bằng việc nói lên quan điểm rằng mình sẵn sàng làm thêm giờ khi cần thiết, khi mình chưa hoàn thành xong, trong khi deadline đang cấp bách. Song song đó, bạn cần lồng ghép thêm rằng mình sẽ luôn cố gắng nỗ lực, tập trung cao độ để có thể hoàn thành công việc trong giờ hành chính, hạn chế tối đa trường hợp vừa làm vừa chơi, dây dưa kéo dài thời gian, khiến hết giờ mà vẫn chưa xong việc, vì bạn biết rằng nếu công ty tuyển vào một nhân viên làm việc trễ nải, lề mề, khiến họ thường xuyên phải ở lại công ty làm thêm giờ, thì đồng nghĩa với việc công ty đang lãng phí nguồn lực, lãng phí tài chính để trả thêm lương tăng ca, làm thêm giờ cho những người như thế. Vậy là bạn vừa thể hiện được cho nhà tuyển dụng thấy mình có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng làm thêm giờ khi cần thiết, vừa thể hiện rằng mình sẽ luôn tập trung làm việc, không theo kiểu vừa làm vừa chơi, vừa nhắc khéo nhà tuyển dụng nhớ trả lương tăng ca, làm thêm giờ đúng quy định của Luật Lao Động để đảm bảo quyền lợi cho nhân viên.
Bài viết này đã giúp bạn có được gợi ý trả lời khéo léo cho câu hỏi phỏng vấn “Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ không?” – Tất nhiên, trên đây chỉ là gợi ý, bạn hoàn toàn có thể linh hoạt trả lời theo góc nhìn và quan điểm cá nhân của mình, miễn sao bạn nói được làm được, chứ đừng dối lòng, nói hoa mỹ rồi cuối cùng không làm được nhé!
>> Cách tính lương tăng ca, lương làm thêm giờ theo Luật Lao Động
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.