Bạn sắp đi phỏng vấn nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Bạn lo lắng vì chưa có kinh nghiệm ứng tuyển, không biết phải trả lời phỏng vấn sao cho tốt, tăng cơ hội việc làm? Đừng lo! Đây chính là “bí kíp sinh tồn” bạn nhất định phải xem và lưu lại: Trọn bộ 20 câu hỏi phỏng vấn kinh điển cùng cách trả lời ấn tượng, sẽ giúp bạn tự tin ghi điểm với nhà tuyển dụng – dù bạn là người mới lần đầu xin việc!
>> Phỏng vấn Tiếng Anh: Mẫu giới thiệu bản thân ấn tượng
1. Giới thiệu bản thân ấn tượng khi phỏng vấn
Dù không phải một câu hỏi, nhưng phần giới thiệu bản thân luôn xuất hiện trong tất cả các buổi phỏng vấn. Bạn đã biết trước điều này nên đương nhiên phải chuẩn bị thật kỹ, tập dượt nhiều lần cho lưu loát. Có 3 tiêu chí giúp bạn giới thiệu bản thân ấn tượng, chính là sự ngắn gọn, nêu bật điểm mạnh của bản thân, và khao khát ứng tuyển. Thiếu đi bất kỳ nội dung nào, thì phần giới thiệu bản thân sẽ trở nên mờ nhạt, thậm chí còn bị nhà tuyển dụng trừ điểm, không đánh giá cao, với ấn tượng đầu tiên không ổn như thế, thì khả năng cao sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả của cả buổi phỏng vấn:
Dạ em là Nguyễn Văn A, tốt nghiệp loại giỏi, ngành Marketing, trường đại học ABC, ứng tuyển vị trí Junior Marketing ở công ty mình. Em đã đọc kỹ mô tả công việc, và thấy rằng mình có nhiều điểm mạnh phù hợp với vị trí này, về khả năng học hỏi, tư duy, chăm chỉ, và thành thạo các kỹ năng mềm liên quan. Em đã có 4 học kỳ nhận được học bổng khuyến khích học tập của trường đại học, vững kiến thức chuyên ngành, có chứng chỉ TOEIC 750, và khá tự tin về kỹ năng quản lý thời gian, xử lý tình huống, teamwork mà em đã rèn luyện được sau khoảng thời gian đi làm thêm và tham gia CLB ở trường đại học. Em tự tin rằng với tinh thần ham học hỏi, chủ động trong học tập, thì em sẽ tiếp tục phát huy điều đó trong công việc để hoàn thành tốt những việc được giao, mang lại nhiều giá trị cho công ty. Đây là công việc đúng với chuyên ngành và định hướng nghề nghiệp của em, nhất định em sẽ gắn bó lâu dài và trở thành một mảnh ghép nổi bật trong công ty mình ạ.
2. Câu hỏi phỏng vấn: Điểm mạnh của bạn là gì?
Câu hỏi phỏng vấn về điểm mạnh của mình thì ai cũng trả lời được, kể cả sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, để trả lời phỏng vấn sao cho ấn tượng, thì bạn cần lưu ý chọn lọc các điểm mạnh có liên quan tới vị trí ứng tuyển, và chỉ nên tập trung vào khoảng 2-3 điểm mạnh thôi, không nên liệt kê quá nhiều sẽ bị lan man, và càng không nên huyên thuyên về các điểm mạnh không liên quan công việc, vì chúng sẽ khiến bạn trở thành ứng viên không phù hợp:
Dạ trong số các điểm mạnh của em, thì em tự tin nhất về 2 điều, đó là khả năng học hỏi và khả năng viết lách của mình. Về khả năng học hỏi, em đã đạt kết quả tốt trong suốt 4 năm đại học, tốt nghiệp loại giỏi với GPA 3.4/4, đạt học bổng trong 4 học kỳ dành cho top sinh viên xuất sắc nhất của ngành. Em luôn chủ động trong học tập, tự giác làm bài tập, đọc thêm kiến thức trong tài liệu, giáo trình để học được nhiều hơn, hiểu rõ, hiểu sâu kiến thức hơn, em luôn cảm thấy vui sướng mỗi khi mình tiếp thu được thêm 1 kiến thức mới. Về khả năng viết lách, em có thể tìm hiểu nhanh về nhiều chủ đề, thu thập thông tin, sắp xếp nội dung, câu chữ thành các bài viết mạch lạc, đánh vào tâm lý người đọc, tự viết 100% không nhờ công cụ hỗ trợ, và tuyệt đối không sai lỗi chính tả. Điển hình là kết quả các bài tiểu luận ở đại học em đều đạt điểm giỏi, được nhiều lời khen từ các giảng viên. Với 2 điểm mạnh này, em tự tin mình sẽ hoàn thành tốt công việc ở vị trí Junior Marketing, đặc biệt là các task liên quan tới viết lách, content.
>> Người hướng nội có các điểm mạnh nào?
3. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Khi bị nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu, thì đa số ứng viên sẽ lo lắng, không biết nên trả lời sao cho khéo. Mà đây lại còn phải là điểm yếu lớn nhất nữa, thì những ai chưa có kinh nghiệm ứng tuyển sẽ càng hoang mang hơn. Tuy nhiên, bạn hãy bình tĩnh, vì nhà tuyển dụng sẽ không thể chắc chắn rằng đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn, hoặc chính bạn cũng khó mà so sánh, nên bạn chỉ cần trả lời về 1 điểm yếu của bản thân, đủ lớn để nhà tuyển dụng đồng ý (nhưng không được là lỗi tối kỵ của vị trí ứng tuyển), và kèm theo các bạn đối mặt, khắc phục nó:
Dạ điểm yếu lớn nhất của em là ngại bắt chuyện, ngại giao tiếp với những người mới gặp lần đầu. Em biết rằng kỹ năng giao tiếp là điều cần thiết trong mọi công việc, cho dù mình làm việc với máy tính hay với con người, với khách hàng, thì cũng đều cần rèn luyện nó. Vì thế, em đã cố gắng đọc nhiều sách hơn, về nhiều chủ đề, để em có được nhiều kiến thức hữu ích cho việc bắt chuyện, giao tiếp. Mặc dù hiện tại chưa hoàn hảo, nhưng kỹ năng giao tiếp, bắt chuyện của em cũng đã tiến bộ hơn lúc trước. Thay vì ở mức 3/10 như năm 1 đại học, thì hiện tại em đã lên được khoảng 6/10, và em sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thiện hơn ạ. Ngoài ra, trong quá trình nỗ lực đọc nhiều sách, nhiều tài liệu, thì nó cũng giúp em mở mang kiến thức, giúp ích nhiều cho công việc sản xuất content ạ.
4. Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Câu hỏi phỏng vấn này tương đối dễ, hầu như ai cũng trả lời được, chẳng hạn như do đúng với định hướng nghề nghiệp, đúng với ngành học, do mình tự tin sẽ hoàn thành tốt công việc, do yêu thích sản phẩm, dịch vụ của công ty,… Để thuyết phục nhà tuyển dụng 100%, thì bạn cần trả lời sao cho đủ các ý nêu trên, kèm theo một chút giải thích rằng vì sao bạn phù hợp với công việc này:
Dạ em có định hướng sẽ phát triển sự nghiệp trong ngành Marketing, đặc biệt là trong việc sản xuất content, sáng tạo nội dung. Khi đọc mô tả công việc, em thấy trùng khớp với những dự định phát triển của bản thân, đồng thời, em cũng đáp ứng tốt các yêu cầu công việc, chẳng hạn như tốt nghiệp đúng chuyên ngành, vững kiến thức, có khả năng viết lách, tư duy sáng tạo, chăm chỉ làm việc, nên em tự tin rằng mình sẽ hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, công ty mình hoạt động bên ngành giáo dục, cũng là lĩnh vực mà em yêu thích và muốn gắn bó, nên em rất kỳ vọng vào công việc này.
>> Nên gắn bó với công ty bao lâu trước khi nghỉ việc?
5. Vì sao bạn nghỉ công ty cũ (tại sao bạn muốn đổi công việc)?
Đây là một câu hỏi khá tế nhị, nếu trả lời không khéo, chê bai công ty cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ, thì bạn sẽ bị đánh giá không tốt, nhà tuyển dụng sẽ quan ngại rằng bạn là người ăn cháo đá bát, nghỉ việc xong đi nói xấu công ty tùm lum, và khó lòng teamwork với mọi người khi đã từng để xảy ra xung đột với đồng nghiệp cũ. Khi gặp câu hỏi phỏng vấn này, bạn có thể tham khảo cách trả lời sau:
Dạ em đã gắn bó với công ty cũ 2 năm, đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm việc hữu ích, và em đã sử dụng những điều đó để nỗ lực đóng góp nhiều giá trị cho công ty. Em không có mâu thuẫn, xích mích gì với công ty cũ. Tuy nhiên, em mong muốn phát triển bản thân ở một môi trường lớn hơn, tính chất công việc phức tạp hơn, để bản thân mình ngày càng đi lên theo đúng lộ trình nghề nghiệp em mong muốn. Khi tìm hiểu tin tuyển dụng, em thấy ấn tượng với vị trí này, em đã đọc kỹ mô tả công việc và tìm hiểu văn hoá công ty, tính chất công việc, và thấy rằng phù hợp với định hướng mới của em. Hy vọng rằng em sẽ có cơ hội làm việc ở công ty mình ạ.
6. Bạn biết những gì về công ty chúng tôi?
Để đánh giá mức độ thiện chí khi ứng tuyển, và liệu bạn có gắn bó lâu dài với công ty không, thì nhà tuyển dụng sẽ thường đặt câu hỏi phỏng vấn rằng bạn biết những gì về công ty chúng tôi, ứng viên nào không trả lời được sẽ bị loại ngay lập tức. Điều đó chứng tỏ rằng bạn đang rải CV lung tung, còn chưa biết gì về công ty, không chịu tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ, về yêu cầu công việc, thì tại sao công ty phải trao cơ hội cho ứng viên đó? Để ghi điểm với nhà tuyển dụng, bạn có thể trả lời như sau:
Dạ em đã tìm hiểu kỹ về công ty qua mô tả công việc, trên website và fanpage của công ty. Về lĩnh vực, công ty hoạt động trong ngành giáo dục từ năm 2015, tới nay đã tròn 10 năm, và nhận được rất nhiều feedback tốt từ học viên các khoá. Mỗi tháng sẽ khai giảng khoảng 7-8 lớp, với tổng số khoảng 160 – 180 học viên mới, tại 4 cơ sở ở Hà Nội và Tp.HCM. Ở vị trí Content Marketing, em sẽ chịu trách nhiệm viết Blog, Facebook Post, Email Marketing để tiếp cận tới đông đảo khách hàng tiềm năng là các bạn sinh viên đại học, giúp tăng nhận biết thương hiệu, có ấn tượng tốt về chất lượng giảng dạy để tăng số lượng đăng ký học thử, từ đó, các bạn tư vấn tuyển sinh sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và tư vấn khoá học hơn. Đây là công việc đúng như mong muốn của em, hy vọng rằng em sẽ có cơ hội được nhận vào làm việc ạ.
7. Bạn đã từng làm việc nhóm chưa?
Đây là một câu hỏi phỏng vấn khá đơn giản, nhưng không phải bạn chỉ cần trả lời “có” là xong. Thay vào đó, bạn cần khẳng định rằng mình đã nhiều lần làm việc nhóm đạt kết quả tốt, kèm theo 1 ví dụ thực tiến về lần làm việc nhóm gần đây, mà bạn đã đóng góp thế nào, phối hợp nhịp nhàng với các thành viên ra sao, lúc đó bạn làm thành viên hay leader? Dưới đây là gợi ý trả lời cho bạn:
Dạ em đã từng nhiều lần làm việc nhóm ở công ty cũ, và đã bắt đầu teamwork từ khi còn là sinh viên đại học. Sau những lần teamwork, em đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá cho bản thân, để phối hợp nhịp nhàng với mọi người vì lợi ích chung của cả nhóm. Em cũng có nhiều lần giữ vai trò nhóm trưởng, điển hình là dự án lớn cuối năm ngoái, em lead team 5 thành viên, phân chia công việc cho mọi người theo điểm mạnh của từng bạn, em chủ động quan sát xem bạn nào cần hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ trong suốt tiến độ dự án. Đồng thời, cũng trong lần đó đã xảy ra bất đồng quan điểm giữa 2 thành viên, em đứng giữa lắng nghe và hoà giải, rằng cả 2 đều có ý tốt, nhưng cần phối hợp, bổ trợ cho nhau, thay vì đối nghịch với nhau. Lần đó, kết quả dự án đạt được tốt, được công ty đánh giá cao và thưởng nóng cho cả team. Ở công việc mới, nếu có cơ hội làm việc nhóm, em tự tin mình sẽ hoàn thành tốt ạ.
8. Bạn xử lý áp lực và deadline công việc như thế nào?
Đi làm thì ai cũng từng áp lực, từng bị deadline dí, việc này việc kia ập tới liên tiếp. Nhà tuyển dụng cần biết rằng lỡ bạn gặp khối lượng công việc nhiều & dồn dập như thế thì bạn sẽ xử lý thế nào, tốt nhất là nên kèm theo một tình huống cụ thể rằng trong quá khứ bạn đã xử lý ra sao:
Khi đi làm, em đã nhiều lần đối mặt với trường hợp bị deadline dí sát, và có nhiều việc cần làm gần như cùng lúc, phải hoàn thành kịp tiến độ, không thể delay. Điển hình là lần em được thăng chức ở công ty cũ, khi đó, em vừa phải chịu trách nhiệm doanh số, vừa phải quản trị vận hành, quản lý nhân viên cấp dưới sao cho mọi người phối hợp nhịp nhàng, đúng với tiêu chuẩn của công ty. Lúc đó, em vừa phải học, trau dồi thêm các chuyên môn mới, lại vừa phải gánh target, KPI mà công ty yêu cầu. Và cách giải quyết của em chính là phải tập trung cao độ, chủ động tìm tòi, đọc thêm kiến thức, học hỏi từ các cấp quản lý phía trên, và đề cao tinh thần trách nhiệm. Nếu có công việc chưa xử lý kịp, em sẽ sẵn sàng làm ngoài giờ để xử lý trong ngày, không delay. Ngoài ra, em cũng phân chia bớt công việc cho nhân viên trong team, để mỗi người một tay cùng hoàn thành, thay vì chỉ ôm làm 1 mình.
>> 4 cách giúp bạn chiến đấu với deadline khi đi làm
9. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong 3-5 năm tới là gì?
Nhà tuyển dụng muốn biết mục tiêu nghề nghiệp để đánh giá mức độ gắn bó của nhân viên trong 3-5 năm tới, bạn không nên trả lời rằng mình chỉ muốn làm việc ở đây thời gian ngắn để học hỏi, sau đó chuyển sang lĩnh vực khác, và cũng không nên chia sẻ rằng 3-5 năm tới bạn nhất định sẽ nghỉ việc để khởi nghiệp, tự kinh doanh riêng. Thay vào đó, bạn có thể tham khảo cách trả lời sau, khi gặp câu hỏi phỏng vấn về mục tiêu nghề nghiệp:
Dạ em định hướng sẽ phát triển bản thân trong ngành Marketing, đây là chuyên ngành em đã yêu thích và theo học, em có đam mê với truyền thông, marketing, và cũng có năng khiếu về sáng tạo, viết content, sản xuất nội dung, nên em sẽ theo đuổi và gắn bó lâu dài với ngành. Trong 3-5 năm tới, em đặt mục tiêu mình phải vững chuyên môn, kinh nghiệm, và liên tục trau dồi các kiến thức mới nhất về ngành, và lúc đó sẽ thăng tiến lên vị trí Team Leader / Manager, quản lý đội ngũ 5-6 nhân viên. Em sẽ cố gắng nỗ lực làm việc, phát triển bản thân, đóng góp nhiều giá trị cho công ty và trau dồi thêm về kỹ năng lãnh đạo để tăng cơ hội đạt được mục tiêu ấy.
10. Bạn đã từng thất bại chưa? Bạn học được gì từ nó?
Thất bại là điều mà ai cũng từng đối mặt, dù đó chỉ là thất bại nhỏ nhưng chúng ta vẫn rút ra được nhiều bài học cho bản thân, nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã đối mặt, vượt qua và rút kinh nghiệm như thế nào? Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, mức độ vượt khó, chịu khó và chí cầu tiến của ứng viên, bạn nên trả lời bằng một tình huống cụ thể trong quá khứ, không nên chỉ nói lý thuyết suông:
Em đã từng đối mặt với những lần thất bại, hoặc đạt kết quả không như mong đợi. Điển hình là khi lần đầu thử sức với công việc Marketing, khi được cấp trên yêu cầu viết 2 bài content/ngày, em đã viết không kịp. Mặc dù là điều bình thường của người mới, chưa quen việc, nhưng đối với em, đó là 1 thất bại không thể nào quên, là động lực để em quyết tâm, phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục theo đuổi công việc này. Em đọc nhiều sách, tài liệu hơn, về các chủ đề liên quan tới sản phẩm, dịch vụ công ty, tìm hiểu về nhu cầu, thói quen, hành vi khách hàng, để có vốn kiến thức rộng, nhạy bén trong tư duy, trong sáng tạo nội dung. Sau đó 2 tuần, em đã đạt được mục tiêu mà sếp yêu cầu, mặc dù đây là điều không quá lớn lao, nhưng là nền tảng quan trọng để em phát triển nhiều hơn sau này, em rất vui vì mình luôn đề cao tinh thần cầu tiến, vượt qua thất bại để thành công hơn, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Bài viết này đã điểm qua 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp đầu tiên, kèm theo cách trả lời cụ thể để giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Tổng hợp 20 câu hỏi phỏng vấn và hướng trả lời tối ưu (Phần 2)
Hãy cùng đón xem phần 2 với các câu hỏi tiếp theo nhé:
- Bạn có sẵn sàng làm thêm giờ nếu công việc yêu cầu không?
- Bạn sẽ làm gì nếu không đồng ý với quyết định của sếp?
- Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
- Bạn có sẵn sàng đi công tác xa nếu cần không?
- Bạn mô tả phong cách làm việc của mình như thế nào?
- Nếu được nhận, bạn sẽ bắt đầu công việc thế nào?
- Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?
- Bạn nghĩ lý do gì khiến bạn phù hợp với vị trí này?
- Nếu phải chọn giữa tốc độ và chất lượng, bạn ưu tiên điều gì?
- Bạn có dự định gắn bó lâu dài với công ty không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.