Sau khi đã tìm hiểu về cách viết CV Tiếng Anh trong Tự Tin Tìm Việc (Tập 3), thì nhiều bạn sinh viên cũng muốn được chia sẻ thêm về các lỗi sai thường gặp khi viết CV, các lưu ý khi rải CV, vì các em sắp ra trường rồi, cũng sắp phải “lần đầu làm chuyện ấy”, nên muốn tìm hiểu kỹ cho chắc ăn. Các nội dung ấy sẽ được làm rõ trong Tự Tin Tìm Việc (Tập 4) lần này, đồng thời, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu thêm về chuyện đi phỏng vấn thực tập, KPI khi đi làm,…
1. Các lỗi sai cần lưu ý khi lần đầu viết CV xin việc
- Dài dòng: Đây là lỗi chung của rất nhiều bạn mới ra trường, cho rằng CV càng dài càng tốt & cố gắng viết sao cho thật dài, chèn nhiều thông tin, nhưng cuối cùng lại phản tác dụng vì quá lan man.
- Không biết chọn lọc: Nếu CV xin việc có quá nhiều thông tin không liên quan tới vị trí ứng tuyển, tức là viết mà không biết chọn lọc, thì khả năng cao sẽ bị loại, dù bạn giỏi nhưng bạn không phù hợp.
- Sai lỗi chính tả: Nếu CV ghi rằng bạn là người chỉn chu, kỹ lưỡng, mà lại sai nhiều lỗi chính tả, thì ai mà tin được, phía HR sẽ đánh giá rằng bạn cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp khi gửi 1 chiếc CV nhiều lỗi sai.
- Viết CV bằng Word: Đã qua rồi cái thời CV xin việc viết bằng Word, vừa chi chít chữ, lại vừa không đẹp mắt, bạn nên lưu ý tìm các mẫu CV thiết kế sẵn trên mạng, rồi điền thông tin vào sẽ đẹp hơn.
- Thiếu chuyên nghiệp: Một số lỗi sai như email là traidepvip@gmail.com, hay ghi lộn năm sinh thành 2024, gửi email ứng tuyển không có nội dung, không tiêu đề & quên đính kèm CV, gây thiếu chuyên nghiệp.
2. Mới ra trường cần lưu ý gì khi viết & rải CV tìm việc?
- Xác định chính xác công việc mình muốn: Làm trong ngành nào, vị trí gì, công việc nào phù hợp với mình, hãy lưu ý xác định rõ chứ đừng viết & rải CV tràn lan, càng rải nhiều càng trượt nhiều, càng dễ bị nản.
- Ưu tiên công việc gần nhà: Nếu bạn không muốn ngày nào đi làm cũng như đi phượt, mệt mỏi, kẹt xe, lại phải dậy sớm, thì hãy ưu tiên các việc gần nhà, đừng rải CV ở các công ty quá xa.
- Đọc kỹ mô tả công việc: Rải CV tràn lan, không thèm đọc mô tả công việc là một lỗi sai phổ biến của sinh viên mới ra trường, khiến mình bị mất thời gian, cuối cùng lại không tìm được việc phù hợp.
- Làm nổi bật CV trước khi rải: Viết một chiếc CV tệ thì rải 20 nơi cũng chưa chắc được đi phỏng vấn, ngược lại, nếu CV được lưu ý đầu tư chỉn chu, ấn tượng, thì chỉ cần rải 10 nơi đã có tận 4-5 nơi gọi đi phỏng vấn.
- Tối ưu CV cho phù hợp từng công ty: Mỗi công ty sẽ có yêu cầu riêng, không nên viết 1 CV rải cho tất cả mọi nơi, mà hãy lưu ý linh hoạt thay đổi, tối ưu một chút cho phù hợp hơn với từng công ty.
- Lưu ý email ứng tuyển chuyên nghiệp: Email cần có tiêu đề rõ ràng, nội dung lịch sự & chuyên nghiệp, tránh gửi email ứng tuyển không tiêu đề, không nội dung, cẩu thả hoặc có lỗi chính tả.
- Chú ý điện thoại và email: Đừng để HR gọi điện & phản hồi email mà mình không hề hay biết, hãy chú ý hơn tới các thông báo điện thoại/email để kịp thời phản hồi lại thư mời phỏng vấn nhé.
3. Phỏng vấn: Em muốn học được gì sau kỳ thực tập?
Đi thực tập là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với công việc thực tế, để học hỏi và phát triển bản thân. Vì thế, khi phỏng vấn, sinh viên có thể được hỏi rằng em muốn học được những gì sau kỳ thực tập? Tuỳ mỗi người sẽ có những mong muốn riêng, đa số sinh viên sẽ muốn thực hành, ứng dụng những kiến thức lý thuyết vào công việc thực tế, để học cách linh hoạt vận dụng khi ra trường đi làm sau này. Cũng có bạn muốn được thử sức, làm việc, học hỏi được nhiều chuyên môn, nghiệp vụ liên quan tới công việc, kiểu như là tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế để ra trường tìm việc thuận lợi hơn.
Cũng có sinh viên muốn được tiếp xúc với môi trường làm việc, hiểu rõ về áp lực công việc phải đối mặt khi đi làm sau này, học cách thích nghi trước & chuẩn bị tinh thần để sau này đỡ bỡ ngỡ. Để tránh bị lạc đề trong câu hỏi này, sinh viên cần lưu ý tới chữ “học”, phải trả lời liên quan tới việc học hỏi, chứ không nên lan man sang chuyện tiền lương, hay để lấy dấu mộc, lấy số liệu làm khoá luận,… Theo các em, ngoài những điều nêu trên thì sinh viên có thể trả lời thêm điều gì khi gặp câu hỏi phỏng vấn này?
4. Có nên hỏi rõ về KPI trong buổi phỏng vấn không?
KPI là những target, yêu cầu công việc mà mình cần hoàn thành khi đi làm, nhiều khi cũng có liên quan tới mức lương và ảnh hưởng tới quyền lợi, vậy có nên hỏi rõ về KPI trong buổi phỏng vấn không? Nhiều ứng viên cho rằng phỏng vấn là buổi nhà tuyển dụng hỏi và mình trả lời, chứ làm sao mình hỏi ngược lại được, tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm, bạn có thể đặt câu hỏi vào cuối buổi phỏng vấn.
Bạn nên hỏi về tính chất công việc, cách làm việc, teamwork, và đương nhiên có thể hỏi luôn về target, KPI liên quan công việc, nhưng nên hỏi sơ sơ hay là cứ hỏi rõ, hỏi cụ thể về KPI để được giải đáp luôn? Bạn nên hỏi rõ về KPI để tự lượng sức, tự đánh giá xem mình đủ khả năng hoàn thành công việc này không, nếu không ổn thì mình tìm việc khác, tránh làm mất thời gian của cả đôi bên. Nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng giải đáp, miễn sao bạn không hỏi quá sâu về quy trình làm việc, bí mật công ty & cách tính lương KPI quá cụ thể, vì họ sẽ đề phòng, cho rằng có thể bạn đang dò xét.
Chuyên mục Tự Tin Tìm Việc (Tập 4) đã giúp bạn nắm được các lưu ý quan trọng khi viết & rải CV, đồng thời, cũng giải đáp thêm một số điều liên quan tới buổi phỏng vấn để bạn yên tâm hơn. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm ứng tuyển.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.