Home Học tậpChuyện sinh viên Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 44) – Chán Nản Học Tập, Điểm Yếu Khi Xin Việc

Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 44) – Chán Nản Học Tập, Điểm Yếu Khi Xin Việc

by Hoàng Khôi Phạm
Cẩm Nang Sinh Viên (Tập 44) - Chán Nản Học Tập, Điểm Yếu Khi Xin Việc

Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 44, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về chán nản học tập, rớt môn, kỹ năng mềm khi tham gia CLB và trả lời phỏng vấn xin việc về điểm yếu.

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 43) – Làm nhóm trưởng, bị giáo viên đì

1. Sinh viên phải làm sao khi chán nản học tập?

Ngày nào cũng đi học, ngập mặt trong đống sách vở, thức khuya chạy deadline, áp lực khi thi học kỳ… Nếu học hoài không thấy tiến bộ, thường bị điểm kém thì sinh viên sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản. Nếu không sớm giải quyết, thì kết quả học tập sẽ ngày càng sa sút và dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, buông xuôi. Sinh viên hãy lần lượt xử lý từng nguyên nhân khiến mình thấy chán, thấy nản trong học tập. Nếu cảm thấy môn học chán, thì hãy thử tìm hiểu xem nếu học tốt môn đó sẽ có lợi thế nào khi xin việc sau này, vì sao mình thấy chán mà các bạn sinh viên khác không chán, liệu do môn học chán hay là do mình lười?

Nếu cảm thấy bài giảng khô khan, khó hiểu, nhiều kiến thức nên bị chán, thì sinh viên có thể chủ động tự đọc trước tài liệu ở nhà, tìm hiểu thêm kiến thức môn học trên mạng hoặc học nhóm với bạn bè cùng lớp. Nếu giảng viên khó tính thì hãy lấy đó làm động lực để mình học tốt hơn, đi học đầy đủ, nghiêm túc, chăm chú nghe giảng, làm bài tập chỉn chu hơn, điều đó sẽ giúp sinh viên bớt chán, học tốt và vững kiến thức hơn. Nghe giảng, đọc tài liệu mà không hiểu thì hãy thử hỏi bạn bè, nhờ các bạn giảng lại, hoặc cũng có thể các em không hiểu bài vì chưa vững kiến thức nền tảng, hãy thử ôn lại các kiến thức ở đầu môn học. Khi đời đưa cho mình quả chanh thì hãy pha một ly nước chanh để uống. Tương tự, khi đang chán học, đang bị các bạn bỏ lại phía sau thì mình cần phải gấp rút tìm lại động lực và hành động để tập trung học tốt hơn.

2. Những lý do khiến sinh viên rớt môn ở đại học

Khi rớt môn, sinh viên sẽ vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, công sức để học lại. Kéo theo đó sẽ là cảm xúc hoang mang, ngại ngùng với bạn bè, người thân, tự ti về năng lực, cho rằng mình yếu kém… Thật ra, sinh viên hoàn toàn có thể làm chủ điểm số và sẽ mang về kết quả học tập tốt. Hãy cùng điểm qua 5 lý do phổ biến khiến sinh viên bị rớt môn, rồi rút kinh nghiệm không để bản thân mình mắc phải.

1. Cúp học, đi trễ: Không đảm bảo chuyên cần thì sinh viên sẽ bị mất kiến thức buổi học, kéo theo các buổi sau đó cũng khó lòng hiểu bài, càng học càng đuối và có nguy cơ bị điểm kém, rớt môn.

2. Chưa tập trung nghe giảng: Ngồi trong lớp lơ đãng, không tập trung, cứ lo làm việc riêng thì làm sao mà hiểu bài, tốn thời gian ngồi học mà chẳng tiếp thu được gì, tới lúc ôn thi lại thấy đầu óc trống rỗng.

3. Ngại hỏi khi chưa hiểu bài: Khi nghe giảng, nếu có chỗ nào chưa hiểu thì sinh viên cần mạnh dạn hỏi lại giảng viên, nếu ngại hỏi thì sẽ bị hổng kiến thức, lỡ đề thi ra đúng ngay nội dung đó thì sao?

4. Lười ôn bài, lười làm bài tập: Chính sự lười biếng này sẽ khiến các em hối hận, vào phòng thi không nhớ cách làm bài, quên công thức, nhầm lẫn các kiến thức với nhau vì không chủ động làm bài tập.

5. Không ôn kỹ trước khi thi: Cho dù các em học hỏi, thông minh, nhưng trước khi thi mà không chịu ôn tập kỹ lưỡng thì sẽ không nhớ rõ kiến thức, làm bài thiếu cái này, nhầm cái kia, kéo điểm số đi xuống.

>> Chán học, muốn lao vào đi làm kiếm tiền có được không?

3. Các kỹ năng mềm sinh viên sẽ học được khi tham gia CLB

1. Kỹ năng giao tiếp: khi mới tham gia CLB nhiều bạn sinh viên cực kỳ “nai tơ”, không dám bắt chuyện, ngại ngùng khi nói trước đám đông. Nhưng sau khi tham gia CLB đã trở nên lanh lợi, khéo ăn nói và tự tin hơn.

2. Kỹ năng xử lý tình huống: Khi tham gia CLB, sinh viên sẽ tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện, sẽ phải đối mặt và xử lý nhiều tình huống phát sinh bất ngờ, từ đó nâng cao kỹ năng mềm của mình.

3. Kỹ năng làm việc nhóm: Vào CLB thì tất nhiên sẽ thường xuyên teamwork, cùng tổ chức các hoạt động, đây sẽ là môi trường rất tốt giúp sinh viên trau dồi và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm.

4. Kỹ năng lãnh đạo nhóm: Khi làm ban điều hành CLB, sinh viên sẽ biết cách lập kế hoạch, phân chia công việc, quản lý tiến độ, hỗ trợ các thành viên và giải quyết mâu thuẫn, từ đó nâng cao kỹ năng leadership.

5. Kỹ năng quản lý thời gian: Sinh viên phải cân đối thời gian học tập và tham gia CLB cho hợp lý, tránh ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập, điều này sẽ giúp các em ngày càng quản lý thời gian tốt hơn.

4. Lần đầu xin việc, trả lời thế nào khi được hỏi về điểm yếu?

Khi lần đầu xin việc, được hỏi về điểm yếu, nhiều ứng viên đã quyết định giấu đi bằng cách trả lời “Dạ em không có điểm yếu”. Tuy nhiên, đây là 1 câu trả lời khá giả trân, và sẽ không được đánh giá cao. Ngoài ra, khi trả lời rằng mình không có điểm yếu, nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn gian dối, thiếu trung thực hoặc không nghiêm túc, có ý đùa cợt trong câu trả lời, và sẽ bị trừ điểm khá nặng. Ai cũng có điểm yếu, nhà tuyển dụng muốn bạn trả lời thật lòng, tự nhận khuyết điểm của bản thân, kèm theo cách bạn đối mặt để giải quyết, khắc phục, nhất là các điểm yếu liên quan tới công việc.

Hãy chia sẻ 1-2 điểm yếu mà mình đã từng đối mặt và khắc phục thành công, nên chọn điểm yếu liên quan tới công việc nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng quá xấu tới kết quả làm việc. Lồng ghép vào trường hợp cụ thể rằng trong quá khứ mình đã phát hiện ra và giải quyết như thế nào, trau dồi, hoàn thiện bản thân để khắc phục điểm yếu ra sao, đó sẽ là câu trả lời giúp bạn ghi điểm. Có 1 số lời khuyên rằng nên trả lời điểm yếu và đồng thời cũng là điểm mạnh, ví dụ như tính cầu toàn, quá tham việc,… nhưng bạn cũng cần khéo léo, không nên lạm dụng quá kẻo sẽ hơi giả trân.

Cẩm nang sinh viên tập 44 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện chán nản học tập, rớt môn, kỹ năng mềm khi tham gia CLB và trả lời phỏng vấn xin việc về điểm yếu. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Cẩm nang sinh viên (Tập 42) – Học thêm, môn đại cương & chuyên ngành

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích