Dịp đầu năm mới chúng ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, mong rằng mọi người sẽ có một năm thuận lợi, sung túc, ấm no và mạnh khoẻ. Song song đó, chuyện lì xì mừng tuổi cũng được quan tâm, thảo luận sôi nổi, nhất là trong giới trẻ, một số bạn cho rằng Tết là cơ hội để mình kiếm tiền lì xì, gặp ai cũng nhanh nhảu chúc Tết. Vậy chúc Tết từ tấm lòng hay chúc đại để được nhận tiền lì xì?
>> Bao nhiêu tuổi thì không được nhận tiền lì xì, mừng tuổi nữa?
Chúc Tết là gì, thường chúc những điều gì?
Chúc Tết là chuyện mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc mang ý nghĩa tốt đẹp, tích cực, vào đúng dịp Tết hàng năm, thường sẽ vào ngay lần gặp nhau đầu tiên trong năm mới. Mỗi người sẽ tự có những lời chúc riêng dành cho nhau, cân chỉnh sao cho phù hợp nhất với tấm lòng của mình và tuỳ theo từng đối tượng mà mình sẽ chúc, tức là bạn nên linh hoạt dành nhiều lời chúc, về những điều khác nhau, cho những người khác nhau. Thông thường, những điều mà mọi người chúc nhau vào dịp Tết sẽ xoay quanh chuyện sức khoẻ, hạnh phúc, tài lộc, xinh đẹp, trẻ trung, vui vẻ, công việc, học tập thuận lợi, hoặc có một câu chúc đơn giản nhưng bao quát toàn bộ mọi điều, đó chính là vạn sự như ý.
Ý nghĩa của phong tục chúc Tết dịp đầu năm mới
Chúng ta thường quan niệm rằng nếu đầu năm may mắn thì cả năm sẽ may mắn. Chính vì thế, ý nghĩa của việc chúc Tết dịp đầu năm mới chỉ đơn giản là muốn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, chúc cho mọi người sẽ có một năm nhiều thuận lợi, suôn sẻ và vạn sự như ý, giống như một cách lấy vía may mắn cho năm mới.
Chẳng hạn như vào mùng 1 Tết, chúng ta thường sẽ sum vầy gia đình, gặp mặt người thân, họ hàng, và sẽ cùng chúc Tết nhau trong ngày đầu tiên của năm mới. Rồi sang mùng 2, mùng 3, mùng 4,… nếu có dịp hẹn gặp bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp để đi ăn uống, đi chơi, chụp ảnh, họp mặt đầu năm, thì đó cũng là lúc mà mọi người gửi lời chúc Tết tốt đẹp cho nhau. Điều này là phong tục truyền thống lâu đời, vẫn được gìn giữ và duy trì cho tới hiện tại, là nét tích cực trong văn hoá, và hầu như chúng ta đều đã quá quen với chuyện chào hỏi, chúc Tết nhau trong dịp đầu năm mới.
>> Bạn bè nên lì xì mừng tuổi cho nhau bao nhiêu tiền?
Vì sao chúc Tết xong thường sẽ được nhận tiền lì xì?
Tiếp tục với quan niệm về chuyện lấy vía, nếu như chúc Tết là dành cho nhau những điều tốt đẹp, chúc cho cả năm sẽ thuận lợi, suôn sẻ, thì chuyện được nhận tiền lì xì cũng tương tự như thế, là để lấy vía tài lộc, chúc cho mọi người sẽ làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc, phát tài, kiếm được nhiều tiền trong dịp năm mới. Còn các bạn nhỏ chưa đi làm kiếm tiền, thì tiền lì xì sẽ đại diện cho sự may mắn, nó thường được đặt trong phong bao lì xì màu đỏ để tăng thêm sự may mắn, mang lại tín hiệu tích cực cho năm mới.
Thông thường thì chuyện chúc Tết và nhậ lì xì sẽ đi đôi với nhau, tức là sau khi chúc Tết thì chúng ta sẽ được nhận ngay tiền lì xì từ người đối diện. Đây vốn dĩ là một nét phong tục bình thường, có ý nghĩa là truyền may mắn, tích cực trong dịp đầu năm mới, nhưng dần dần có một số người đã lạm dụng chuyện này, thậm chí còn dạy cho con cái hoặc các em nhỏ trong nhà mình rằng phải luôn miệng chúc Tết khi gặp người lớn để có được nhiều tiền lì xì. Vậy liệu chúc Tết từ tấm lòng hay chúc đại để được nhận tiền lì xì?
Chúc Tết từ tấm lòng hay chúc đại để được nhận tiền lì xì?
Bản chất ý nghĩa của việc chúc Tết là mong muốn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, đặc biệt là với những người thân yêu xung quanh, mong rằng mọi người sẽ có nhiều sức khoẻ, có một năm thật thuận lợi, suôn sẻ,… nên tất nhiên việc chúc Tết cần phải xuất phát từ tấm lòng, chứ chúng ta không nên chúc đại để được nhận tiền lì xì. Để duy trì ý nghĩa tốt đẹp của phong tục chúc Tết, thì bản thân mỗi người phải hiểu và ghi nhớ điều này, đảm bảo rằng những lời chúc Tết của mình đều xuất phát từ tấm lòng, rằng mình thật sự muốn chúc, muốn trao cho nhau những điều tốt đẹp, chứ không nên chúc một cách miễn cưỡng chỉ vì muốn được nhận tiền lì xì.
Bạn cũng không nên mặc định rằng sau khi chúc Tết xong thì mình phải được lì xì, nếu không được thì sẽ xụ mặt, tỏ thái độ hoặc nói bóng gió, vì điều đó vừa khiến hình ảnh bạn trở nên xấu đi, vừa là một thái độ tiêu cực không nên có trong những ngày đầu năm mới. Bạn quý ai, muốn dành điều tốt đẹp cho ai, thì bạn chúc Tết người ấy một cách vô điều kiện, còn người ta có lì xì hay không là chuyện của người ta, mình không nên ngóng chờ hoặc tỏ ý muốn được nhận lì xì vì đã chúc Tết. Ngoài ra, nếu trong gia đình mình có các em nhỏ, thì bạn cũng cần phải nói, nhắc nhở cho các em hiểu rõ ý nghĩa của việc chúc Tết, vì các em còn nhỏ, mình nói sao thì sẽ nghe vậy, mình dạy thế nào thì mặc định sẽ làm theo. Chuyện các em ấy sau này sẽ trở thành người thế nào, có suy nghĩ, thái độ, hành vi ra sao về chuyện chúc Tết và nhận lì xì dịp đầu năm mới sẽ do những người lớn trong nhà tác động. Hãy định hướng các em ấy một cách tốt đẹp nhất nhé.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp rằng chúc Tết từ tấm lòng hay chúc đại để được nhận tiền lì xì? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Kinh tế khó khăn, lì xì ít sợ bị chê, thái độ, thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.