Cẩm nang sinh viên là chuyên mục giải đáp những băn khoăn thường gặp, cung cấp các thông tin hữu ích mà sinh viên cần biết, cần nắm rõ để giúp việc học tập của mình gặp nhiều thuận lợi hơn. Mỗi tập thường sẽ bao gồm 4 chủ đề chính, được giải đáp một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, sinh viên chỉ cần đọc qua là sẽ hiểu rõ vấn đề ngay. Trong cẩm nang sinh viên tập 81, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu một số thông tin về năm nhất tham gia CLB, lập kế hoạch học tập, bị giảng viên hiểu lầm và trốn học bị phát hiện thì xử lý thế nào?
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 79) – Xin điểm, mẫu email thực tập
1. Có nên tham gia CLB ngay từ năm nhất không?
Sinh viên năm nhất mới lên đại học thường sẽ rất hào hứng, tự đặt ra nhiều mục tiêu, dự định cho tương lai và muốn chủ động tham gia nhiều hoạt động ở trường đại học. Khi thấy rằng trường mình có khá nhiều CLB, rồi thấy các anh chị khoá trên tham gia cũng khá vui, thú vị, thì nhiều bạn tân sinh viên cũng muốn có được trải nghiệm như thế, muốn tìm 1 CLB phù hợp với bản thân để tham gia. Đó là suy nghĩ và lựa chọn phổ biến của đa số tân sinh viên, và các CLB cũng rất muốn tuyển vào những thành viên mới, những bạn tân sinh viên năng nổ, tự tin, các em sẽ là luồng gió mới giúp cho CLB hoạt động một cách sôi nổi & sáng tạo hơn.
Sinh viên năm nhất nên tham gia CLB, điều đó sẽ giúp các em mở rộng mối quan hệ, làm quen với nhiều bạn bè & anh chị khoá trên, đồng thời cũng học hỏi được nhiều điều hữu ích cho bản thân. Tuy nhiên, sinh viên năm nhất cũng nên dành nhiều thời gian cho việc học, vì khi lên đại học sẽ có nhiều khác biệt so với hồi cấp 3, nếu không sớm thích nghi thì kết quả học sẽ dễ bị sa sút. Tức là sinh viên năm 1 nên tham gia CLB nhưng cần cân đối thời gian, tránh để ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập & điểm số, vì dù sao thì nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập, học cho giỏi và vững kiến thức.
2. Cách lập kế hoạch học tập hiệu quả cho học kỳ mới
Để đạt điểm số cao, bên cạnh sự chăm chỉ, nỗ lực và nghiêm túc học tập, thì sinh viên cần phải có kế hoạch học tập, càng cụ thể, rõ ràng, thì càng tăng cơ hội đạt kết quả học tập tốt và nắm vững kiến thức. Bước đầu tiên để lập kế hoạch học tập cho học kỳ mới chính là đặt mục tiêu, cụ thể rằng sinh viên muốn đạt học lực gì, điểm trung bình học kỳ khoảng bao nhiêu, đó sẽ là điều mà mình tập trung hướng đến. Tiếp theo, hãy chia nhỏ mục tiêu thành từng cột mốc để dễ dàng theo dõi và bám sát tiến độ học tập, chẳng hạn như 1 học kỳ thường kéo dài 4 tháng, thì từng tháng sẽ cần các cột mốc nào, điểm số ra sao?
Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên đặt mục tiêu & lập kế hoạch cụ thể cho từng môn học trong học kỳ, chẳng hạn môn A cần đạt kết quả thế nào, học theo cách nào, có học nhóm không, môn B thiên về tính toán thì cần chú ý gì, giải đề hay làm bài tập chăm chỉ ra sao? Tức là kế hoạch học tập của sinh viên sẽ chia thành 2 mặt phẳng, là mặt phẳng về thời gian (từng tháng) và mặt phẳng về từng môn học (mỗi môn cần học thế nào), cân bằng giữa 2 điều đó là được. Khi đã có kế hoạch học tập rồi, thì chuyện nó có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng và kỷ luật, sinh viên cần đảm bảo mình dành đủ thời gian để học tập và bám sát theo kế hoạch ấy.
>> 4 hiểu lầm tai hại khiến sinh viên ngày càng học hành sa sút
3. Bị giảng viên hiểu lầm, trừ điểm oan thì phải làm sao?
Đâu ai muốn bị người khác hiểu lầm, vì đó sẽ là cảm giác cực kỳ khó chịu, ấm ức, mình hoàn toàn không làm gì sai, không có ý xấu, mà lại bị quy chụp thành người có lỗi? Rồi nếu bạn cố gắng giải thích nhưng đối phương không lắng nghe, hoặc vẫn tiếp tục cho rằng bạn thật sự có lỗi sai, không hoá giải được hiểu lầm, thì bạn sẽ càng thấy mệt mỏi hơn. Tệ hơn nữa, nếu điều đó xảy ra trong môi trường học đường, rằng sinh viên bị giảng viên hiểu lầm, trừ điểm oan thì sẽ càng ấm ức nhiều hơn, khi đó, các em phải làm sao?
Thật ra, giảng viên hầu như sẽ không hiểu lầm, trừ điểm oan hay trách phạt sinh viên một cách vô cớ, càng không có chuyện vì ghét các em nên giảng viên cố tình kiếm chuyện gây khó dễ. Tức là để giải quyết chuyện hiểu lầm, sinh viên cần tìm hiểu xem điều đó tới từ những lý do nào, tại sao giảng viên lại có những hình dung & suy nghĩ chưa đúng về mình? Khi phát hiện ra được các nguyên nhân ấy, đó sẽ là mấu chốt giúp sinh viên hoá giải hiểu lầm, hãy trao đổi trực tiếp với giảng viên một cách lịch sự, lễ phép, kèm theo những dẫn chứng thuyết phục cho thấy mọi chuyện chỉ là hiểu lầm, các em không có ý xấu, không làm gì sai trái, thì khả năng cao rằng giảng viên sẽ hiểu, mối quan hệ của đôi bên lại trở về tốt đẹp, nếu có bị trừ điểm oan thì giảng viên sẽ sửa lại ngay. Một số bạn cũng tự hỏi rằng nếu giảng viên hiểu lầm mình và đã giải thích được rõ ràng, thì có cần lời xin lỗi không? Điều này sẽ tuỳ thuộc vào từng giảng viên chứ các em cũng không nên khăng khăng bắt họ phải xin lỗi mình cho bằng được.
4. Trốn học nếu bị phát hiện thì xử lý thế nào?
Trốn học là một hành vi sai trái, ngay từ khi còn nhỏ chúng ta đã được dạy & ghi nhớ điều này. Tuy nhiên, một số bạn học sinh/sinh viên vẫn ngang nhiên cúp học, được 1-2 lần không sao, thì tần suất sẽ ngày càng nhiều hơn, nếu bị nhà trường phát hiện mời phụ huynh, thì các em mới sợ một chút, rồi sau đó khả năng cao sẽ lại tái phạm. Nghe đồn rằng khi lên đại học sẽ có nhiều quy định khắt khe hơn, khó hơn nhiều so với hồi cấp 3, vậy sinh viên trốn học nếu bị phát hiện thì sẽ xử lý thế nào?
Đầu tiên, ở đại học sẽ có điểm chuyên cần, tức là giảng viên điểm danh từng buổi học để kiểm tra mức độ chăm chỉ, chuyên cần & đi học đầy đủ của sinh viên, những bạn nào nghiêm túc thì sẽ có điểm chuyên cần cao, còn ai thường xuyên trốn học, cúp học, vắng khi bị điểm danh thì sẽ bị trừ điểm chuyên cần, gián tiếp kéo điểm trung bình môn học và GPA của sinh viên đi xuống. Tiếp theo, ở đại học cũng có 1 quy định cực kỳ khắt khe, rằng nếu sinh viên nghỉ quá 20% thời lượng môn học, tương đương khoảng 2 buổi học trở lên, thì sẽ bị cấm thi, không được phép dự thi cuối kỳ, đồng nghĩa với việc bị đánh rớt môn đó và phải học lại từ đầu. Khi đó, vừa mất công, mất thời gian, tốn tiền học lại, vừa là một hành vi sai phạm nội quy nhà trường, nếu tiếp tục tái diễn nhiều lần thì sinh viên có thể phải đối diện với các biện pháp xử lý kỷ luật cao hơn, nặng nhất là bị buộc thôi học, huỷ toàn bộ kết quả học tập.
Cẩm nang sinh viên tập 81 đã giúp các em giải đáp một số băn khoăn thường gặp, và nắm được các thông tin mà bản thân đang quan tâm, liên quan tới chuyện năm nhất tham gia CLB, lập kế hoạch học tập, bị giảng viên hiểu lầm và trốn học bị phát hiện thì xử lý thế nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Cẩm nang sinh viên (Tập 80) – Áp lực sắp ra trường, mức lương cao
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.