Cẩm Nang Ứng Xử Trong Công Sở Khi Mới Ra Trường Đi Làm

Sinh viên mới ra trường đi làm thường sẽ rất vô tư, không lo nghĩ nhiều, nhưng chính điều đó sẽ vô tình khiến các em có những lời nói vui đùa quá trớn, hoặc có những hành động dễ khiến các anh chị đồng nghiệp trong công ty phật lòng, khiến không khí làm việc sẽ trở nên nặng nề, thậm chí các em có thể bị ghét, gây khó dễ trong công việc. Đừng để điều đó xảy ra, hãy tham khảo ngay cẩm nang ứng xử trong công sở khi mới ra trường đi làm nhé!

>> Một ngày làm việc của sinh viên mới ra trường sẽ như thế nào?

Lễ phép trong công sở khi mới ra trường đi làm

Sinh viên mới ra trường đi làm hầu như sẽ là những bạn nhỏ tuổi nhất công ty, hoặc cùng lắm là mình chỉ lớn hơn những bé sinh viên đang đi thực tập. Chính vì thế, các em cần phải luôn đề cao tinh thần lễ phép trong lời nói và hành động. Khi gặp các anh chị đồng nghiệp lớn hơn, thì mình phải chủ động chào hỏi, không được liếc ngang liếc dọc hay có những hành vi bất lịch sự, thiếu tôn trọng đồng nghiệp. Bên cạnh đó, trong lời nói cũng cần thể hiện sự lễ phép, dạ vâng, nói chuyện có chủ ngữ vị ngữ rõ ràng, không nói chuyện kiểu cộc lốc, không dùng những từ ngữ thô tục trong công sở.

Ngoài ra, sau một thời gian làm việc, cho dù các em đã thân thiết với các anh chị đồng nghiệp hơn, nhưng cũng vẫn cần phải giữ sự lễ phép, lịch sự, tránh những lời nói đùa vui quá trớn, vui thôi đừng vui quá, vì ít ra thì các anh chị ấy cũng đều lớn hơn mình, chứ không có ngang hàng phải lứa như bạn bè trong trường đại học.

Tuân thủ quy định, quy trình khi mới ra trường đi làm

Sinh viên mới ra trường đi làm sẽ được gắn mác là nhân viên mới, và tất nhiên, người mới thì cần phải nghiêm túc làm việc và tuân thủ đúng quy định, quy trình làm việc mà công ty đã đặt ra. Tức là cho dù các em thấy quy định đó có khắt khe, quy trình đó quá phức tạp, cồng kềnh, thì trước tiên mình cũng cần phải tuân theo, không nên ý kiến ý cò khi mới vào làm việc. Vì nếu mới ra trường đi làm mà đã ý kiến quá nhiều, không đồng tình, không tuân thủ quy định, quy trình của công ty, thì sẽ bị đánh giá là tài lanh, thích thể hiện, cứng đầu, khó đào tạo, và tất nhiên điều đó sẽ gây ấn tượng xấu về các em trong mắt các anh chị đồng nghiệp, thậm chí cấp trên cũng sẽ có cái nhìn không thiện cảm về mình.

>> Những sự thật kinh khủng khi đi làm khiến sinh viên mới ra trường “phát điên”

Nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc

Điều tiếp theo của cẩm nang ứng xử trong công sở khi mới ra trường đi làm chính là các em hãy giữ tinh thần nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc. Đây là điều cực kỳ đơn giản mà bất kỳ ai cũng làm được, tức là không đòi hỏi các em phải làm việc thật xuất sắc khi mới đi làm, mà chỉ cần các em có tinh thần tích cực, nhiệt tình, luôn sẵn sàng hỏi thăm, giúp đỡ các anh chị đồng nghiệp xung quanh từ những việc nhỏ thôi cũng được. Chính những hành động nhiệt tình đó sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt đồng nghiệp, giúp sinh viên mới ra trường được tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn, vì chắc chắn những anh chị đồng nghiệp ấy sẽ có thiện cảm tốt và sẵn sàng training, hướng dẫn, tận tình cầm tay chỉ việc cho mình, để các em nhanh chóng thích nghi và hoàn thành tốt các công việc được giao.

Không gây tranh cãi, xích mích với đồng nghiệp khi đi làm

Nhắc tới cẩm nang ứng xử khi mới ra trường đi làm, thì chắc chắn sẽ không thể thiếu một điều quan trọng rằng các em không được gây tranh cãi, xích mích với đồng nghiệp trong công sở. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, thậm chí còn là một điều hết sức hiển nhiên mà ai cũng biết. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số sinh viên mới ra trường có cá tính mạnh, luôn muốn bảo vệ quan điểm của bản thân, nên khi có bất đồng quan điểm với đồng nghiệp thì sẽ dễ bị nóng nảy, tranh cãi, gây xích mích, bất hoà. Vô tình điều này sẽ khiến hình tượng của các em trở nên xấu xí trong mắt các anh chị đồng nghiệp, vì còn nhỏ mà đã hỗn, thiếu bình tĩnh, dám cãi tay đôi với anh chị trong công ty. Dù quan điểm của các em đúng hay sai thì cũng chẳng còn quan trọng nữa, chỉ cần mình gây tranh cãi, xích mích là mình đã sai rồi.

>> 5 thiếu sót khiến sinh viên mới ra trường bị nhà tuyển dụng chê

Không nên đứng lên đi về ngay khi hết giờ làm việc

Có một điều đơn giản nhưng sinh viên mới ra trường đi làm thường dễ mắc phải lỗi ứng xử này, đó chính là không  nên đứng lên đi về ngay khi hết giờ làm việc. Trên thực tế, có nhiều bạn đúng ngay giờ về, chẳng hạn như đúng 6h tối, là xách cặp đứng lên check out rồi đi về ngay, thậm chí có bạn còn soạn đồ sẵn sàng từ trước đó 10-15 phút, chỉ chờ đồng hồ điểm đúng giờ về là úm ba la rồi biến mất. Điều này sẽ thể hiện rằng các em làm việc chưa nghiêm túc, không toàn tâm toàn ý khi làm việc, đi làm mà cứ mong mau đến giờ về, nhất là khi mình mới vào làm việc mà đã có hành vi thiếu cân nhắc như thế.

Cho dù lúc đó đã hết giờ, nhưng các em hãy thử nhìn lại xem mình đã hoàn thành xong hết công việc chưa, nếu chưa thì cần phải ở lại làm tiếp cho xong, còn nếu đã hoàn thành hết việc của mình, thì vẫn nên chủ động nhìn xung quanh xem các anh chị đồng nghiệp có cần hỗ trợ gì không, mình phụ giúp một số việc nhỏ khoảng 15 phút rồi về cũng được, khi đó, mình vừa mang tiếng tốt bụng, giúp đỡ đồng nghiệp, vừa được đánh giá là siêng năng, chăm chỉ.

Đừng liên tục từ chối các cuộc vui trong công sở

Nhiều sinh viên mới ra trường đi làm cho rằng mình chỉ cần tập trung, nghiêm túc làm việc, hoàn thành tốt các công việc trong công ty là được, còn những cuộc vui chơi, tiệc tùng, ăn uống ngoài giờ làm việc thì không cần thiết, không đi cũng được. Đây là một sai lầm khi ứng xử trong công sở, nhất là khi các em mới vào công ty làm việc mà đã liên tục giữ khoảng cách, từ chối các cuộc vui cùng đồng nghiệp.

Điều này sẽ khiến mọi người đánh giá rằng các em thiếu sự hoà đồng, không hoà nhập với đồng nghiệp, thậm chí một số anh chị khó tính sẽ cho rằng các em không tôn trọng họ, lúc nào rủ đi ăn cũng từ chối thẳng thừng. Tất nhiên, có đi hay không là quyền tự do của mỗi người, không có quy định trong nội quy công ty, nhưng các em vẫn nên cố gắng sắp xếp tham gia với một tần suất hợp lý, không cần phải có mặt tất cả các buổi, mà chỉ cần lâu lâu xuất hiện một lần, hoặc tham gia rồi về sớm cũng được, không mất quá nhiều thời gian, mà cũng là dịp để mọi người làm quen, gắn bó với nhau hơn sau những giờ làm việc căng thẳng, biết đâu nhiều khi sau đó sẽ phối hợp làm việc với nhau ăn ý hơn.

Trên đây là cẩm nang ứng xử trong công sở khi mới ra trường đi làm mà các em có thể tham khảo, để giúp mình nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc, tránh mắc phải những sai lầm khiến mọi người đánh giá không tốt về mình. Song song đó, trên thực tế, tuỳ từng công ty, từng công việc, có thể sẽ có thêm những quy tắc ứng xử khác nữa, các em hãy chú ý quan sát, cẩn trọng về lời nói, hành động, và tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình nhé.

>> 5 cách làm đẹp CV cho sinh viên mới ra trường

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Làm Sao Để Tạo Được Nhiều Giá Trị Trong Công Việc?

Chuyển Sang Làm 1 Công Việc Hoàn Toàn Mới, Nên Hay Không?

Vì Sao Thử Việc Bằng 85% Lương Chính Thức, Có Thấp Quá Không?