Đi Làm Bị Quá Tải Công Việc Thì Phải Làm Sao?

Áp lực công việc, mệt mỏi quá tải công việc luôn là những chủ đề được người đi làm thảo luận rất nhiều. Cứ mỗi khi thấy chán nản, mệt mỏi với công việc, thì mọi người thường có xu hướng than vãn với nhau. Điều đó có thể giúp bạn giải toả được áp lực, giải toả những bức xúc một cách tạm thời, chứ về lâu dài sẽ không có tác dụng gì cả, công việc nó không thể tự động hoàn thành sau mỗi lần nghe bạn than vãn đâu. Vậy đi làm bị quá tải công việc thì phải làm sao?

>> Năng lực làm việc là gì, đánh giá trên các tiêu chí nào?

Vì sao bạn bị quá tải công việc khi đi làm?

Trước khi giải quyết vấn đề đi làm bị quá tải công việc, thì bạn cần phải nắm được những lý do vì sao mình lại bị quá tải, từ những nguyên nhân đó, bạn mới có thể đưa ra những phương án xử lý phù hợp nhất. Hãy dành thời gian để tự nhìn lại xem, trong thời gian qua, bạn thường bị quá tải công việc trong những trường hợp nào, xuất phát từ những lý do nào, rồi liệt kê ra càng đầy đủ, càng chi tiết càng tốt. Dưới đây là một số lý do quá tải công việc thường gặp:

  • Khối lượng công việc quá nhiều, bạn không thể hoàn thành kịp trong giờ hành chính;
  • Thường có những đầu việc phát sinh đột xuất, chồng chất lên nhau, khiến công việc rối tung lên;
  • Đồng nghiệp xung quanh thường nhờ bạn hỗ trợ công việc, đâm ra ỷ lại, đẩy việc thêm cho bạn;
  • Bạn quản lý thời gian chưa tốt, sắp xếp, quản lý công việc chưa tốt, đụng đâu làm đó nên dễ bị quá tải;
  • Bạn chưa thật sự tập trung khi làm việc, vừa làm vừa chơi, khiến công việc bị đình trệ, chất đống, quá tải;
  • Năng lực làm việc của bạn đang chưa đủ tốt, mất nhiều thời gian để xử lý công việc hơn những người khác;
  • Công ty bóc lột sức lao động, bắt ép bạn làm việc vượt quá khả năng mà không chịu tuyển thêm người…

Trên thực tế, tuỳ từng công ty, từng tính chất công việc khác nhau, mà bạn có thể sẽ bắt gặp thêm nhiều nguyên nhân khác khiến mình bị quá tải công việc. Nhìn chung thì những nguyên nhân này có thể chia thành 2 nhóm chính, nguyên nhân chủ quan do chính bản thân bạn, và nguyên nhân khách quan từ phía công ty, đồng nghiệp, tính chất công việc. Sau khi xác định rõ 2 nhóm này, bạn sẽ có cơ sở để xác định hướng giải quyết phù hợp khi đi làm bị quá tải công việc.

Đi làm bị quá tải công việc thì phải làm sao?

Nếu cảm thấy mình đang bị quá tải công việc trong suốt một khoảng thời gian dài, khiến bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, áp lực, kiệt sức, thì tất nhiên bạn cần phải nhanh chóng xử lý, không nên để bản thân bị “đày đoạ” thêm nữa. Một số người nhảy số rất nhanh, khi thấy bị quá tải công việc thì nghĩ ngay tới chuyện nghỉ làm, đi tìm công việc khác nhẹ hơn, thoải mái hơn, bớt áp lực hơn. Đây cũng là một giải pháp hợp lý, tuy nhiên, trước khi nghỉ việc thì bạn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, vì thật ra bất kỳ công ty nào cũng có vấn đề, có thể bạn sẽ thoát khỏi các vấn đề hiện tại, nhưng biết đâu đó sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn khác trong công việc, chưa kể khi bước sang một môi trường mới thì bạn sẽ phải mất thời gian để thích nghi và làm quen lại từ đầu với mọi thứ, hoặc đặc thù một số công việc có thể phải bắt đầu lại từ con số 0.

Nếu không muốn nghỉ việc, thì bạn vẫn còn giải pháp khác, đó là đối mặt trực diện với nguyên nhân để xử lý triệt để, tức là điều gì khiến bạn bị quá tải công việc, thì bạn tập trung vào giải quyết tận gốc điều đó. Nếu nguyên nhân đến từ phía bạn, do bạn chưa tập trung làm việc, chưa biết cách quản lý thời gian, hoặc năng lực bản thân còn yếu, thì hãy tự mình thay đổi, làm việc nghiêm túc hơn, thấy mình còn thiếu sót ở đâu thì trau dồi thêm ở đó, thì bạn mới có thể thoát khỏi cảnh bị quá tải công việc và tiến đến những nấc thang nghề nghiệp cao hơn. Còn nếu chúng là những nguyên nhân khách quan từ phía công ty, cấp trên, đồng nghiệp, tính chất công việc, thì bạn hãy mạnh dạn trao đổi trực tiếp với sếp, đưa ra một số giải pháp, cùng nhau thảo luận để chốt vấn đề và hướng giải quyết. Hãy cho họ thấy bạn đang cực kỳ nghiêm túc, muốn giúp công ty tăng hiệu quả công việc và giảm bớt vấn đề quá tải công việc cho nhân viên, chứ đừng thể hiện như kiểu đang đòi quyền lợi cho bản thân, đòi hỏi công ty phải làm thế này thế kia theo ý mình, vì như thế sẽ bị phản tác dụng.

>> Không còn nhiệt huyết với công việc thì phải làm sao?

Đừng ngại nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp xung quanh

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, thì bạn cũng đừng quên rằng xung quanh mình vẫn có rất nhiều đồng nghiệp tốt, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ công việc, hỗ trợ khi bạn bị quá tải công việc. Đây là điều thường tình khi đi làm, đồng nghiệp giúp đỡ nhau là điều hoàn toàn bình thường ở bất kỳ công ty nào, chính vì thế, khi bị quá tải công việc, bạn đừng ngại nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp xung quanh. Bây giờ họ giúp bạn, thì sau này khi họ ôm đồm quá nhiều việc, bị quá tải công việc, thì bạn sẽ giúp lại họ thôi, đây là điều có lợi cho cả đôi bên, đồng thời, sẽ củng cố tinh thần đoàn kết, teamwork trong công ty.

Cách quản lý công việc để tránh bị quá tải trong tương lai

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, thay vì để tới lúc quá áp lực, quá mệt mỏi vì bị quá tải công việc, thì bạn nên sớm thay đổi cách làm việc, học cách quản lý công việc sao cho hiệu quả, logic hơn, thì sau này đỡ bị chồng chất công việc, đỡ phải đối mặt với chuyện quá tải. Để quản lý công việc tốt, trước tiên, bạn phải liệt kê được danh sách những đầu việc mà mình cần hoàn thành, bao gồm các công việc hàng ngày, các công việc theo dự án, và cả những đầu việc phát sinh đột xuất nữa. Sau đó, bạn hãy đánh giá mức độ ưu tiên của từng công việc, tuỳ theo mức độ quan trọng và cấp bách của chúng.

Những việc nào vừa quan trọng, vừa cấp bách, thì tất nhiên bạn cần ưu tiên hoàn thành trước, còn những việc nào kém quan trọng và cũng chẳng gấp lắm, thì bạn để làm sau. Sau đó, bạn hãy sắp xếp chúng vào trong thời gian biểu làm việc của mình, rằng mỗi ngày sẽ hoàn thành những việc nào, theo từng khoảng thời gian cụ thể, rồi đảm bảo giờ nào việc nấy, tập trung cao độ để có thể hoàn thành công việc đúng như lịch mà mình đã xếp, tránh để dây dưa lấn sang thời gian của việc khác. Cụ thể hơn, bạn có thể tìm hiểu thêm về kỹ năng quản lý thời gian tại đây.

Giảm tải công việc, chứ đừng giảm chất lượng làm việc

Song song các vấn đề nêu trên, thì còn một điều mà bạn cần đặc biệt lưu ý, đó chính là bạn có thể giảm tải bớt công việc, chứ đừng giảm chất lượng làm việc. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp thấy mình có quá nhiều việc cần làm, có cảm giác bị quá tải, xong mặc nhiên cho mình quyền được làm việc qua loa, sơ sài, cẩu thả, làm đại cho xong lẹ, chứ không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn để xảy ra nhiều sai sót do ẩu, thiếu chỉn chu trong quá trình làm việc. Đây là một điều bạn cần tránh, đừng để bản thân đi vào con đường sai lầm như thế, giảm chất lượng làm việc không phải là một giải pháp hợp lý khi bạn bị quá tải công việc, nó chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, bạn sẽ liên tục mang lại kết quả làm việc tệ, và cấp trên sẽ dựa vào đó để đánh giá rằng bạn có năng lực làm việc không tốt, thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc khi làm việc, và có thể khiến bạn đối mặt với rủi ro bị sa thải, tự đánh mất cơ hội việc làm của chính mình.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng đi làm bị quá tải công việc thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn enjoy công việc hơn và làm việc năng suất hơn!

>> Sếp giao thêm việc mà không tăng lương thì phải làm sao?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý