Đi làm thì phải tập trung hoàn thành tốt công việc, phải bám sát tiến độ KPI và đảm bảo deadline, thì bạn mới có được kết quả làm việc tốt, và tăng cơ hội được tăng lương, thăng tiến trong tương lai. Trong đó, KPI là tiêu chí cực kỳ quan trọng, và đa số doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều đến điều này, sẽ liên tục hỏi thăm, nhắc nhở nếu nhân viên đang bị chậm tiến độ, đang có kết quả làm việc tụt lại khá xa so với KPI đã đặt ra. Vô tình điều này đã khiến không ít người đi làm cực kỳ đau đầu, nhất là trong những khoảng thời gian mình bị xuống phong độ, chậm tiến độ KPI. Khi quá stress vì KPI, một số người đã nghĩ tới chuyện nếu tiếp tục làm việc không đạt KPI thì xin nghỉ, quan điểm này đúng hay sai?
>> Cách lập kế hoạch làm việc theo sát KPI và deadline
Vì sao làm việc phải có KPI?
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng KPI là gì, mà vì sao lại khiến mình quá cực khổ, đau đầu, áp lực không? Vì sao làm việc phải có KPI? Câu trả lời cực kỳ đơn giản, khi bạn làm bất kỳ điều gì, nếu muốn đạt kết quả tốt, thì bắt buộc bạn phải có mục tiêu, và KPI (Key Performance Indicator) chính là đích đến mà bạn cần hướng tới, cần nỗ lực hết mình để đạt được, nó sẽ là kim chỉ nam giúp bạn biết được mình nên làm gì, cần làm gì, cần đạt được những cột mốc nào để mang về kết quả làm việc tốt, đúng với kỳ vọng của công ty khi đã tin tưởng lựa chọn bạn vào làm việc.
Nếu làm việc mà không có KPI, công ty sẽ khó lòng kiểm soát hiệu quả làm việc của nhân viên, rồi tới khi trách mắng nhân viên rằng họ làm việc không tốt, thì cũng chẳng có được bằng chứng cụ thể, mắc công nhân viên lại nói rằng công ty đưa ra nhận định một cách cảm tính, không thực tế. Bên cạnh đó, nếu đi làm mà không chịu áp lực KPI, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái nhởn nhơ, đi làm mà như đi chơi, thoải mái muốn làm gì thì làm, như thế thì bạn sẽ khó lòng phát triển năng lực bản thân, và cũng chẳng thể đạt được kết quả làm việc tốt, đi làm lâu năm mà vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân khiến bạn làm việc không đạt KPI
Khi làm việc không đạt KPI, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái lo âu, áp lực, chán nản, mệt mỏi, nhưng nếu cứ duy trì những điều tiêu cực ấy trong đầu thì cũng chẳng giải quyết được gì, mà nó chỉ làm cho bạn càng mất tập trung hơn, dẫn tới kết quả làm việc tệ hơn thôi. Điều bạn nên làm lúc này là phải đi thẳng vào vấn đề, tìm ra những lý do khiến bạn làm việc không đạt KPI, để dựa vào đó tự đưa ra phương án khắc phục, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Không bám sát tiến độ KPI, cứ lao đầu vào làm việc như một cái máy, không theo một trật tự, trình tự ưu tiên nào, không biết mình đang làm gì, làm đến đâu, còn những gì đang bị tắc ở chỗ nào;
- Năng lực bản thân còn yếu kém, chưa vững kiến thức chuyên môn, thiếu sót các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc, khả năng chuyên môn nghiệp vụ còn yếu, nhưng lại chưa dành thời gian để trau dồi, khắc phục;
- Làm việc ở vị trí yêu cầu chuyên môn quá cao so với khả năng của mình, đang khoác một chiếc áo quá rộng;
- Lười biếng, thiếu chăm chỉ, thường hay trì hoãn công việc cần làm sang ngày mai, ngày mốt;
- Thiếu tập trung khi làm việc, vừa làm vừa chơi, bấm điện thoại, chơi game, nhắn tin với bạn bè;
- Làm việc không có tâm, qua loa, sơ sài, làm đại cho xong, không quan tâm tới chất lượng công việc;
- Bị phụ thuộc vào người khác, thường đùn đẩy công việc/trách nhiệm cho đồng nghiệp xung quanh…
Tóm lại, tuỳ bản thân mỗi người sẽ có những nguyên nhân khác nhau khiến bạn làm việc không đạt KPI. Chính bạn sẽ là người cần phải dành thời gian để tự nhìn lại bản thân, trung thực với chính mình xem liệu mình đang sai ở đâu, đang thiếu sót chỗ nào, đang cần tập trung hơn vào điều gì… Tức là bạn cần phải cố gắng khắc phục, tìm cách giải quyết, nỗ lực hết mình trước khi nghĩ tói chuyện nếu làm việc không đạt KPI thì xin nghỉ.
>> Chấm công đầy đủ nhưng không đạt KPI thì có bị trừ lương không?
Làm việc không đạt KPI thì xin nghỉ, đúng hay sai?
Khi thấy mình cũng đã nỗ lực, cố gắng hết sức, nhưng kết quả mang về lại không khả quan, vẫn tiếp tục làm việc không đạt KPI, thì một số người đã tính tới chuyện xin nghỉ, hoặc nói thẳng thừng với cấp trên rằng nếu tháng này vẫn tiếp tục không đạt KPI thì em sẽ xin nghỉ. Nghe thoáng qua thì có vẻ như câu nói ấy là một lời tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ, tràn đầy quyết tâm rằng mình sẽ cố gắng làm việc, tập trung hết mình để cải thiện kết quả công việc và sống chết tới cùng để đạt được KPI. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ lưỡng hơn, thì bạn sẽ thấy rằng đó là một câu nói không có gì quá to tát, chỉ đơn giản là nếu em làm không được thì em nghỉ đi tìm công việc mới, kết thúc công việc tại đây, còn trong tương lai ai sẽ thay thế, ai sẽ tiếp tục đảm nhiệm công việc, công ty sẽ đi đâu về đâu thì em không biết, em không quan tâm.
Bản chất của KPI khi đặt ra là để bạn có mục tiêu, có phương hướng để cố gắng, nỗ lực, phấn đấu làm việc và mang lại kết quả tốt nhất trong khả năng của mình. Chứ không phải KPI đặt ra để tạo áp lực, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu khi không đạt KPI, và càng không phải là điều đặt ra để bạn tiêu cực, rồi ép bạn phải xin nghỉ nếu làm việc không đạt KPI. Nếu bạn đang có suy nghĩ rằng nếu không đạt KPI thì xin nghỉ, bạn nên thay đổi quan điểm và bỏ ngay suy nghĩ tiêu cực ấy. Thay vì tiêu cực, hãy tập trung làm việc và bám sát tiến độ KPI trong tương lai. Và nếu muốn khẳng định sự quyết tâm của mình với cấp trên, thay vì nói sẽ xin nghỉ việc, thì bạn hãy dõng dạc nói rằng em sẽ không nhận lương, hoặc chỉ nhận nửa lương nếu không đạt KPI, nghe thấy có trọng lượng hơn hẳn nhỉ, vì bạn đang đánh cược bằng chính tiền lương, quyền lợi của mình.
Thay vì tiêu cực, hãy tập trung làm việc và bám sát tiến độ KPI
Thật ra, công ty chẳng cần bạn phải hứa hẹn, phải đánh cược gì cả, chúng chỉ đơn thuần là những lời nói ở thời điểm hiện tại để các sếp có thể đặt niềm tin vào bạn thêm một lần nữa. Còn điều quan trọng bạn cần làm là phải chứng minh bằng hành động, phải lên kế hoạch làm việc cụ thể, rõ ràng, từng bước, từng cột mốc thời gian, từng mục tiêu nhỏ cần đạt được, và bạn sẽ làm cách nào để bám sát những điều đó, bám sát tiến độ KPI trong thời điểm cực kỳ thử thách này. Đồng thời, bạn cũng cần dành thời gian trau dồi những gì bản thân đang thiếu sót, để dần hoàn thiện, nâng cao năng lực của mình.
Khi năng lực của bạn đã vững vàng hơn, bạn có sự tập trung, quyết tâm hơn, có kế hoạch làm việc cụ thể và bám sát theo tiến độ công việc, thì khả năng cao rằng bạn sẽ đạt KPI trong tương lai, sẽ không còn phải tính tới chuyện xin nghỉ nếu không đạt KPI nữa. Hoặc nếu lỡ xui rủi bạn vẫn còn thiếu sót, chưa đạt được 100% KPI như công ty kỳ vọng, thì khi nhìn lại những nỗ lực và cố gắng của bạn trong thời gian qua, công ty sẽ vẫn tiếp tục trao cho bạn thêm cơ hội, thêm thời gian để tiếp tục chứng minh năng lực của mình, chứ chẳng ai muốn ép một người nhân viên đang tràn đầy nhiệt huyết phải nghỉ việc cả.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng vì sao làm việc phải có KPI, không đạt KPI thì xin nghỉ là đúng hay sai, đồng thời, gợi ý cho bạn hướng giải quyết tích cực hơn là chuyện nghỉ làm. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Hãy cố gắng, nỗ lực hết mình, làm việc với sự tập trung cao độ và tràn đầy năng lượng tích cực nhé!
>> 5 lợi ích khi đi làm có KPI rõ ràng, cụ thể
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.