Không Giỏi Ăn Nói Thì Phải Làm Sao Để Khắc Phục?

Bạn đang cảm nhận rằng khả năng ăn nói của mình chưa tốt, và tự thấy rằng điều đó đang ảnh hưởng không tốt tới các mối quan hệ và sự phát triển của bản thân. Bạn đang rất muốn khắc phục điều này, để mình sớm trở thành một người ăn nói lưu loát, tự tin hơn, nhưng chưa biết nên làm thế nào. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp xem không giỏi ăn nói thì phải làm sao để khắc phục nhé!

>> Đừng lấy lý do hướng nội để trốn tránh giao tiếp

Vì sao bạn cho rằng mình không giỏi ăn nói?

Không phải tự dưng mà bạn đánh giá rằng mình không giỏi ăn nói, mà thực tế phải có những dấu hiệu rõ ràng, những điều bạn đã nhận thấy từ lâu, tồn tại trong một thời gian dài mà không thể khắc phục được. Chính bạn sẽ là người hiểu rõ rằng vì sao bạn cho rằng mình không giỏi ăn nói? Nếu đang là sinh viên đại học, các em thường sẽ rụt rè, không dám giơ tay phát biểu trong lớp, hoặc khi làm thuyết trình nhóm thì thường xung phong làm hậu phương, chuẩn bị nội dung, làm slide, bấm slide, chứ không dám làm người thuyết trình, hoặc nếu có thử làm thì cũng đạt kết quả không tốt, đứng trước lớp mà run bần bật, quên hết nội dung, nói chuyện lắp bắp, ấp úng, nhầm lẫn kiến thức vì quá run,…

Hoặc khi đã ra trường đi làm, đối diện với chuyện giao tiếp trong công việc, bạn cũng có dấu hiệu rụt rè, ngại giao tiếp, khi có những công việc chưa biết cách làm thì cũng ngại hỏi, không dám mở miệng ra trao đổi với đồng nghiệp, hoặc cũng có nói nhưng không biết cách diễn đạt, mọi người nghe xong cũng không hiểu rằng bạn đang muốn hỏi gì, hoặc tệ hơn là hiểu sai, hiểu lầm ý, điều này sẽ cực kỳ tai hại khi trao đổi công việc với khách hàng, đối tác.

Giao tiếp chưa tốt tiềm ẩn những tác hại gì?

Thật sự, chẳng ai muốn bản thân mình lại có điểm yếu là giao tiếp chưa tốt, không giỏi ăn nói, vì điều đó tiềm ẩn rất nhiều tác hại tiêu cực. Đầu tiên, đối với sinh viên đại học, giao tiếp chưa tốt thường sẽ khiến các em có xu hướng khép mình lại, có ít bạn bè thân thiết, dễ rơi vào trạng thái lủi thủi một mình, tủi thân, không có nhóm bạn để cùng học, cùng chơi, cùng tâm sự chia sẻ, đồng hành cùng nhau trong chặng đường 4 năm đại học. Đồng thời, không giỏi ăn nói cũng khiến các em khó lòng hoàn thành tốt vai trò của mình khi thuyết trình trước lớp, khiến bài thuyết trình của nhóm bị điểm kém, bị trừ điểm, rồi đâm ra bản thân cũng tự ngại với các bạn khác, vì mình mà các bạn bị điểm thấp.

Khi đi làm, ăn nói chưa tốt sẽ khiến bạn khó lòng phối hợp với đồng nghiệp khi teamwork, nhiều khi nói chuyện không hiểu ý nhau, hoặc ngại không giao tiếp, gây ra đứt gãy thông tin, kéo kết quả làm việc nhóm đi xuống. Hoặc khi làm việc với khách hàng, đối tác, bạn ăn nói chưa tốt thì đối phương sẽ cảm thấy khó hiểu, hoặc hiểu lầm, hiểu sai nội dung công việc, đến khi vỡ lẽ thì sẽ bị họ complain, huỷ hợp đồng, gây ra thiệt hại cho công ty, mất đi mối quan hệ với khách hàng, đối tác, nếu điều này thường xuyên tiếp diễn thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị sa thải, mất việc.

>> Cách biến hình từ ngại giao tiếp thành người tự tin giao tiếp

Nguyên nhân khiến bạn chưa tự tin giao tiếp?

Khi thấy bản thân có quá nhiều dấu hiệu cho thấy mình không giỏi ăn nói, và đã điểm qua những tác hại khôn lường của việc giao tiếp chưa tốt, thì chắc hẳn rằng bạn đang muốn ngay lập tức tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu giải pháp, và chắc chắn rằng giải pháp đưa ra là phù hợp nhất, thì bạn phải tự nhìn lại xem những nguyên nhân nào khiến bạn chưa tự tin giao tiếp, chúng ta sẽ lần lượt giải quyết từng lý do một, đi đúng vào vấn đề thì mới giải quyết triệt để được, tránh trường hợp lao vào các giải pháp lung tung, không liên quan, càng làm càng không giải quyết được gì. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến bạn chưa tự tin giao tiếp:

  • Khả năng truyền đạt chưa tốt, không diễn tả được rõ những gì mình nghĩ, mình muốn nói;
  • Khả năng sắp xếp câu chữ, sử dụng ngôn từ chưa tốt, nói chuyện rời rạc khiến mọi người khó hiểu;
  • Cách nói chuyện thiếu dẫn chứng, lập luận chưa chặt chẽ, từng bị nhiều người chê bai, đâm ra ngại;
  • Có xu hướng ngại chia sẻ những gì mình nghĩ, sợ bị mọi người đánh giá, soi mói này kia;
  • Sợ nói sai thì bị quê, hoặc lỡ nói chuyện quá lố thì bị đánh giá là vô duyên, nên ngại giao tiếp;
  • Bị run khi đứng trước đám đông, không giữ được bình tĩnh khi có nhiều người nhìn mình;
  • Từ nhỏ đã rụt rè, ít nói, sống khép mình, tới khi lớn vẫn chưa khắc phục được, đã quen với điều đó…

Không giỏi ăn nói thì phải làm sao để khắc phục?

Từ chính những nguyên nhân kể trên, bạn chỉ cần xoáy sâu vào từng lý do mà mình đang gặp phải để có cách khắc phục chúng, giúp mìnhg giao tiếp tự tin hơn.  Chẳng hạn như cách nói chuyện thiếu dẫn chứng, lập luận chặt chẽ, khiến mọi người thấy khó hiểu, thì bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người đối diện, xem góc nhìn của họ thế nào, cần có những thông tin, dẫn chứng nào để họ có thể hiểu được nội dung cuộc hội thoại, đồng thời, hãy luôn ghi nhớ rằng với bất kỳ lập luận nào thì bạn cũng cần đưa vào những số liệu, dẫn chứng cụ thể, vừa để dễ hiểu hơn, vừa để tăng tính thuyết phục.

Còn nếu bạn bị run khi đứng trước đám đông, không giữ được bình tĩnh khi có nhiều người nhìn mình, thì có thể thử khắc phục bằng cách tham khảo tại đây. Hoặc bạn sợ nói sai bị quê, thì hãy thử mở mang vốn kiến thức của mình bằng cách thường xuyên đọc sách báo, tài liệu, xem các chương trình thời sự để cập nhật tin tức, khi bạn biết càng nhiều điều, hiểu càng rõ các vấn đề, sự kiện, thì tự dưng sẽ càng tự tin hơn khi chia sẻ chúng, khi nói chuyện với mọi người xung quanh. Ngoài ra, khi đứng trước các buổi thuyết trình quan trọng, thì có một lưu ý giúp bạn khắc phục chuyện không giỏi ăn nói, đó chính là hãy có sự tập dượt, chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu rõ nội dung mà mình sẽ trình bày, kèm theo những ví dụ thực tiễn, khi bạn càng nắm rõ, thì bạn sẽ càng dễ trình bày cho người khác hiểu, và tất nhiên bạn sẽ càng tự tin hơn.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng không giỏi ăn nói tiềm ẩn những tác hại gì, phải làm sao để khắc phục? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Bí quyết giao tiếp giúp bạn phối hợp tốt khi teamwork với đồng nghiệp

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Vì Sao Bạn Thường Bỏ Cuộc Giữa Chừng?

22 Tuổi Là Đã Lớn Chưa, Trưởng Thành Chưa?

Học Giỏi Mà Sao Không Tìm Được Việc Làm?