Khi đi làm, hầu như chúng ta sẽ phải đến công ty mỗi ngày, ngồi tập trung ở văn phòng để làm việc cùng các đồng nghiệp khác, để đảm bảo hiệu quả công việc, và giúp công ty dễ dàng quản lý được sự chuyên cần, nghiêm túc của nhân viên. Hầu như sẽ hiếm khi bạn được làm việc từ xa, có chăng chỉ ở một số công việc đặc thù, hoặc lâu lâu mới có một vài bữa làm việc tại nhà, không cần lên văn phòng. Liên quan tới chủ đề này, nhiều người thắc mắc rằng làm việc từ xa là gì, làm sao để đảm bảo được hiệu quả? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Thấy nhân viên mới giỏi hơn mình thì phải làm sao?
Làm việc từ xa là gì?
Làm việc từ xa là thuật ngữ diễn tả trường hợp nhân viên đi làm, vẫn xử lý công việc, vẫn có KPI, deadline và được trả lương đầy đủ như bình thường, nhưng không cần phải tới công ty, không cần lên văn phòng, mà có thể thoải mái ngồi làm việc tại nhà, tại quán cafe, hoặc bất kỳ nơi đâu, miễn sao đảm bảo được chất lượng và tiến độ công việc là được. Điều này tạo nên sự linh hoạt, thoải mái khi làm việc, và cũng giúp công ty tiết kiệm được chi phí mặt bằng khi không cần phải thuê văn phòng lớn, vì đang quản lý nhân viên theo hình thức làm việc từ xa rồi.
Làm việc từ xa được áp dụng khi nào?
Sau khi hiểu rõ làm việc từ xa là gì, thì chúng ta sẽ cùng giải đáp xem làm việc từ xa được áp dụng khi nào, trong những trường hợp cụ thể nào? Đầu tiên, làm việc từ xa sẽ thường được áp dụng khi tính chất công việc không nhất thiết phải có mặt ở công ty, đó là những việc có thể làm online, làm tại nhà cũng được, hoặc phổ biến nhất là những ai làm công việc tự do, freelancer, chẳng hạn như làm designer, content marketing, coaching online,… Tiếp theo, có thể công ty muốn mở rộng thị trường ở một tỉnh thành mới, nhưng không nhất thiết phải mở hẳn một văn phòng, chi nhánh, vì sẽ tốn khá nhiều nguồn lực, nên sẽ chỉ thuê 1-2 nhân viên kinh doanh ở tỉnh thành ấy, và cho phép họ làm việc từ xa, miễn sao đảm bảo được activity và KPI công ty yêu cầu là được.
Cũng có trường hợp bạn ở Việt Nam nhưng làm việc cho công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, nhưng không có trụ sở, văn phòng ở Việt Nam, nên cũng sẽ làm việc từ xa, trao đổi công việc với đồng nghiệp, cấp trên qua hình thức online, và thường sẽ không làm việc trong giờ hành chính, mà sẽ theo múi giờ của trụ sở chính, nên có thể sẽ phải làm việc buổi tối, trái múi giờ. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bình thường vẫn làm việc tại văn phòng, nhưng đôi khi sẽ có những lúc được cho phép làm việc từ xa theo chính sách công ty, hoặc vì một số lý do cá nhân, bạn đề xuất được làm việc từ xa, chấm công từ xa và được công ty chấp thuận thì cũng làm việc từ xa như bình thường, miễn sao giữ vững hiệu suất làm việc, không được lơ là, thiếu nghiêm túc. Ngoài ra, trong thực tế cũng sẽ có rất nhiều trường hợp làm việc từ xa khác mà bạn có thể gặp phải, vì sao hình thức này lại trở nên phổ biến như thế, làm việc từ xa có những ưu điểm gì?
>> Chính sách công ty gắt gao, gây khó khăn cho nhân viên thì phải làm sao?
Làm việc từ xa có những ưu điểm gì?
Làm việc từ xa có rất nhiều ưu điểm, đầu tiên, nó sẽ giúp công ty tiết kiệm được nguồn lực, đỡ mất nhiều chi phí hàng tháng cho việc thuê văn phòng lớn, có chăng chỉ cần thuê một địa điểm có diện tích vừa phải thôi, vì đa số nhân viên đều đang làm việc từ xa, lâu lâu cần thiết thì mới tập trung lên văn phòng theo từng team. Tiếp theo, làm việc từ xa cũng giúp công ty mở rộng được phạm vi tuyển dụng, tăng khả năng tìm được nhân sự tốt, chất lượng cao, năng lực vững vàng, mà sẽ không bị khoảng cách địa lý trở thành rào cản. Chẳng hạn như công ty ở TP.HCM, nhưng vẫn có thể tuyển nhân viên ở Đà Nẵng để làm việc từ xa, không cần thiết phải lên văn phòng, và thật sự năng lực người ấy cũng tốt, nếu bỏ qua thì sẽ rất uổng.
Ở phía nhân viên, thì bạn cũng thoải mái làm việc tại bất kỳ nơi nào mà bạn thích, đỡ phải ngày nào cũng phải lên công ty xa xôi, khói bụi, kẹt xe, mất thời gian di chuyển, nhất là khi nhà mình cũng khá xa công ty. Làm việc từ xa cũng giúp bạn thoải mái tinh thần, tăng khả năng sáng tạo, không bị nặng đầu bởi những áp lực vô hình khi ngồi làm việc cả ngày trong công ty. Ngoài ra, bạn cũng có thể linh hoạt cân đối thời gian làm việc, không nhất thiết phải ngồi im trên máy tính suốt nhiều giờ đồng hồ, miễn sao mỗi ngày bạn đều làm đủ thời gian và hoàn thành đủ những KPI, đảm bảo chất lượng công việc là được. Bên cạnh đó, làm việc từ xa cũng cực kỳ phù hợp với những ai có gia đình, có con nhỏ, không tiện phải ra đường, đến công ty cả ngày, vẫn có thể làm việc tại nhà, vừa hoàn thành công việc, vừa để mắt tới em bé và thuận lợi hơn khi đảm nhiệm các công việc nội trợ.
Thách thức/nhược điểm khi làm việc từ xa
Sau khi điểm qua những lợi ích, ưu điểm khi làm việc từ xa, thì chắc hẳn bạn đang thấy cực kỳ hứng thú, cảm thấy đó là một hình thức làm việc quá lý tưởng, và xứng đáng được nhân rộng, nhưng tại sao hiện nay chuyện làm việc từ xa vẫn đang được áp dụng một cách khá giới hạn, tức là vẫn có người làm việc từ xa, nhưng không quá phổ biến, chỉ chiếm tầm 20%, phần lớn còn lại vẫn đi làm tại văn phòng, tại công ty theo cách truyển thống? Thật ra, chuyện làm việc từ xa cũng tồn tại nhiều thách thức, nhược điểm, mà nếu không kiểm soát tốt thì cả công ty lẫn nhân viên đều phải đối mặt.
Đầu tiên, đó chính là chuyện công ty khó lòng kiểm soát được nhân viên, sẽ có rủi ro rằng nhân viên ngồi ở nhà nhưng không tập trung làm việc, ngồi làm được một tí lại bấm điện thoại, làm chuyện riêng, đi nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, ăn uống, hoặc thậm chí đi ngủ, khiến hiệu suất công việc bị giảm xuống đáng kể. Nếu nhân viên nào không tự ý thức, không nghiêm túc trong công việc, thì khả năng cao sẽ gặp phải thách thức này. Hoặc có thể ban đầu bạn cực kỳ nghiêm túc, nhưng sau một thời gian bạn thấy rằng công ty cũng không kiểm soát được giờ giấc của mình, nên dần đâm ra chây lười, mất tập trung. Nhược điểm tiếp theo của làm việc từ xa chính là sẽ khó khăn trong chuyện teamwork, phối hợp cùng đồng nghiệp khi làm việc nhóm, nhất là các dự án chung, đòi hỏi làm việc theo team, thường xuyên phải thảo luận nhóm, trao đổi ý kiến. Mặc dù vẫn có thể họp online, nhưng ít nhiều gì thì cũng sẽ kém hiệu quả hơn họp và teamwork trực tiếp cùng nhau.
>> Văn hoá doanh nghiệp là gì, bao gồm các yếu tố nào?
Làm sao đảm bảo hiệu quả khi làm việc từ xa?
Khi đối diện với những thách thức, nhược điểm của làm việc từ xa, thì chúng ta sẽ dễ nhận thấy điểm chung rằng chúng đều sẽ dẫn tới chuyện làm suy giảm hiệu quả làm việc, khiến mọi người có nguy cơ làm việc kém năng suất, mất tập trung, kéo theo rủi ro không đạt KPI, trễ deadline. Vậy làm sao để khắc phục những tai hại ấy, làm sao để đảm bảo hiệu quả khi làm việc từ xa? Đầu tiên, để giải quyết vấn đề mất tập trung, xao nhãng công việc, thì bạn có thể học cách làm việc theo thời gian biểu, phân chia các đầu việc cần làm vào từng khoảng thời gian, kèm theo deadline rõ ràng, note thẳng vào thời gian biểu cá nhân của mình, rồi đảm bảo giờ nào việc nấy, đang trong giờ làm việc thì phải tập trung làm cho xong, tránh dây dưa sẽ bị trễ timeline, ảnh hưởng tới các lịch tiếp theo.
Song song đó, chính bạn cũng phải kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân, tự ý thức rằng mình đang được công ty tin tưởng, tạo điều kiện thuận lợi và thoải mái để làm việc, thì bạn phải biết cách giữ vững niềm tin ấy, phải thật sự nghiêm túc làm việc, chứ nếu lỡ bị cấp trên phát hiện rằng bạn làm việc không đàng hoàng, làm việc từ xa nhưng không đảm bảo giờ giấc, thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị mất đi đặc quyền ấy, sẽ bị bắt phải lên công ty làm việc mỗi ngày, hoặc thậm chí có thể bị sa thải, mất luôn công việc hiện tại, vì đã vi phạm điều tối kỵ tiên quyết khi làm việc từ xa, đó chính là phải tự giác, nghiêm túc làm việc.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng làm việc từ xa là gì, làm sao đảm bảo được hiệu quả? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cuối tuần nên làm việc hay nghỉ ngơi?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.