Mức Lương Mong Muốn Của Bạn Là Bao Nhiêu? – Cách Trả Lời Tối Ưu Nhất

Buổi phỏng vấn đang diễn ra cực kỳ suôn sẻ, thế nhưng khi đến câu hỏi phỏng vấn cuối cùng “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?” thì không ít ứng viên bắt đầu ấp úng. Có người không trả lời, nhường quyền quyết định cho nhà tuyển dụng. Có người lại lỡ buột miệng nói ra mức lương hơi thấp để rồi sau này vô cùng nuối tiếc.

Ngại ngùng khi đàm phán lương là chuyện không của riêng ai, đặc biệt là với sinh viên mới ra trường. Khi đó, các em mang trong mình tâm lý là mình chưa có kinh nghiệm nên không dám đòi hỏi, sợ đưa ra mức lương cao thì sẽ không được nhận. Nhưng các em không biết rằng mức lương mà mình đề xuất cũng sẽ là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực của các em. Những ai đưa ra mức lương thấp chưa chắc sẽ được nhận vì nhà tuyển dụng đang nghi ngờ rằng ứng viên đó năng lực còn yếu, chưa tự tin vào bản thân.

Vậy cần trả lời thế nào khi gặp câu hỏi phỏng vấn: “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?”. Đừng lo, đáp án ở ngay bên dưới.

>> Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên mới ra trường?

1. Dựa vào đâu để có câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi về mức lương mong muốn?

1.1. Mức lương trung bình cho vị trí đó

Các em có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google hoặc tham khảo trên các tin tuyển dụng của những công ty khác.

1.2. Số năm kinh nghiệm của bản thân

Càng có nhiều năm kinh nghiệm thì mức lương mong muốn của các em sẽ càng cao. Vì kinh nghiệm cũng chính là yếu tố quan trọng để phản ánh năng lực làm việc của bản thân. Chẳng hạn mức lương trung bình của vị trí đó với người có 1 năm kinh nghiệm là 10 triệu, vậy nếu mới ra trường thì thường các em có thể dừng lại ở mức 8 triệu.

1.3. Tiềm lực tài chính của công ty

Nếu công ty có tiềm lực tài chính mạnh thì họ sẽ trả lương cao hơn mặt bằng chung. Ngược lại, nếu công ty các em đang ứng tuyển không có tài chính mạnh, thì có thể họ sẽ trả lương nhân viên thấp hơn mặt bằng chung. Để biết được tiềm lực tài chính của một công ty, đơn giản nhất thì các em nhìn ngay vào mức lương công ty đề xuất cho vị trí mình đang ứng tuyển. Còn nếu họ không công khai mức lương, các em có thể nhìn vào độ mạnh về thương hiệu của họ, xem tốc độ phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh của họ đang như thế nào hoặc đơn giản hơn là nhìn vào số lượng nhân sự của công ty đó. Thông thường, công ty có nhiều nhân viên, nhiều chi nhánh ở nhiều tỉnh thành, thì sẽ có tiềm lực tài chính mạnh.

1.4. So sánh năng lực bản thân với mô tả công việc

Cùng là sinh viên mới ra trường, nhưng những bạn có kiến thức vững vàng, kỹ năng mềm tốt, tự tin giao tiếp Tiếng Anh,… thường sẽ có thể yêu cầu mức lương cao hơn. Chính vì thế, một bước vô cùng quan trọng để xác định mức lương mong muốn của mình chính là so sánh năng lực bản thân với mô tả công việc. Nếu các em thấy mình có thể làm được hết, hoặc thậm chí là làm nhiều hơn những điều được nêu trong mô tả công việc thì cứ mạnh dạn đề xuất mức lương tăng thêm khoảng 20%.

>> Học lực không tốt thì thất nghiệp, lương thấp, xấu hổ?

2. Nên đề xuất mức lương mong muốn cao hơn một tí

Tuyển dụng thật ra cũng tương tự như một cuộc mua bán. Người đi ứng tuyển chính là người bán hàng, đang bán năng lực làm việc của bản thân. Vì thế, các em nên đưa ra mức lương cao hơn kỳ vọng một tí, để lỡ nhà tuyển dụng “trả giá” xuống thì sẽ vừa đúng mức lương mong muốn của mình luôn.

Còn nếu các em muốn đề xuất mức lương mong muốn theo dạng khoảng, thì phần chặn dưới nên là mức lương mong muốn của mình luôn. Chẳng hạn như các em mong muốn mức lương là 8.000.000đ thì có thể đưa ra khoảng lương là 8.000.000đ – 10.000.000đ. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ chọn mức ở chặn dưới, là 8.000.000đ thì sẽ đúng với mức lương các em mong muốn luôn.

3. Mức lương chưa phải là tất cả

Người có kinh nghiệm ứng tuyển sẽ không chỉ chăm chăm nhìn vào mức lương, mà họ còn quan tâm đến thời gian làm việc và các chính sách đãi ngộ, phúc lợi của công ty nữa.

Chẳng hạn như công việc mà chỉ làm từ thứ 2 tới thứ 6, thì có thể mong muốn mức lương thấp hơn 1 tí so với công việc phải làm cả thứ 7. Hay nếu công ty có các chế độ như bao ăn trưa, thưởng KPI, thưởng quý thì mức lương mong muốn cũng có thể thấp hơn một tí so với các công ty không có các chế độ đãi ngộ, phúc lợi này.

Ngoài ra, các em cũng nên hỏi xem công ty mình ứng tuyển có các phúc lợi phổ biến như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lương tháng 13, du lịch thường niên không. Đó không phải là mình đòi hỏi, mà đó là những yếu tố để nhân viên an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty.

>> 10 câu hỏi về kỹ năng xử lý tình huống thường gặp khi phỏng vấn

4. Trả lời tự tin, dứt khoát và soạn trước câu trả lời khi được hỏi về mức lương mong muốn

Khi đã biết mức lương mong muốn của mình là bao nhiêu rồi, thì các em cần phải trả lời nó một cách thật tự tin và dứt khoát, giống như khi các em mua hàng mà hỏi giá ấy, người bán càng trả lời dứt khoát thì càng bán được giá tốt. Để có được sự dứt khoát đó thì các em nên soạn sẵn câu trả lời và luyện tập cho lưu loát trước khi phỏng vấn, vì dù sao thì đây cũng là câu chắc chắn sẽ được hỏi trong buổi phỏng vấn mà. Các em có thể tham khảo 2 câu trả lời mẫu sau:

“Dựa trên sự tìm hiểu của em về vị trí ứng tuyển và so sánh với năng lực của mình, em đề xuất mức lương 8.000.000đ, có thêm thưởng KPI theo hiệu quả công việc và đầy đủ các chế độ bảo hiểm kèm theo ạ. Hy vọng những gì em trả lời trong buổi phỏng vấn cũng đã giúp anh/chị đánh giá được chính xác năng lực của em ạ.”

“Theo những gì em tìm hiểu, mức lương trung bình của vị trí này cho sinh viên mới ra trường rơi vào khoảng 8.000.000đ – 10.000.000đ, đồng thời, năng lực của em cũng đáp ứng tốt các yêu cầu trong mô tả công việc nên em mong muốn có được mức lương tương xứng như vậy ạ.”

Ở trong các câu trả lời mẫu, anh đều nhắc tới từ “năng lực”. Chính vì thế, để có được mức lương mong muốn thì không đơn giản là các em đưa ra được câu trả lời hoàn hảo như trên. Mà trong suốt buổi phỏng vấn, các em cần thể hiện và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rõ năng lực, thực lực của mình nữa nha. Chúc các em thành công!

>> 5 lưu ý để trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn “Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?”

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý