Phỏng Vấn Hành Vi Có Những Câu Hỏi Nào? Trả Lời Sao Cho Ấn Tượng?

Bên cạnh phần phỏng vấn về chuyên môn, tính cách, thì nhà tuyển dụng cũng sẽ có thêm phần phỏng vấn hành vi nhằm đánh giá ứng viên một cách toàn diện và chuẩn xác hơn. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc, thì bạn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thắc mắc rằng phỏng vấn hành vi thường có những câu hỏi nào, trả lời sao cho ấn tượng?

>> Phỏng vấn tính cách – Trả lời thế nào để nhà tuyển dụng ấn tượng?

Phỏng vấn hành vi là gì?

Phỏng vấn hành vi là chuỗi những câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá hành vi và khả năng phối hợp làm việc của ứng viên, xem người đó có phù hợp với môi trường của công ty và có thể gắn bó lâu dài hay không. Phỏng vấn hành vi thường do HR trực tiếp đặt câu hỏi cho ứng viên, chứ không phải do quản lý cấp trên phỏng vấn, vì nó liên quan tới việc nhìn người, đánh giá hành vi, chứ chưa cần liên quan nhiều tới chuyên môn. Thông thường, phần này có thể gộp chung với phần phỏng vấn chuyên môn trong cùng 1 buổi, hoặc cũng có thể tách ra thành 2 buổi riêng tuỳ từng công ty. Và thường thì phần phỏng vấn hành vi sẽ diễn ra trước, sau đó mới đến phần phỏng vấn chuyên môn, đánh giá kiến thức, kinh nghiệm.

Vì sao HR quan tâm đến hành vi của ứng viên?

Không ít ứng viên lăn tăn rằng vì sao HR lại quan tâm đến hành vi của ứng viên, liệu điều đó có ảnh hưởng nhiều tới khả năng làm việc và kết quả công việc không? Tôi có năng lực làm việc tốt, vững kiến thức chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, có khả năng đảm nhận những nhiệm vụ khó, vậy tại sao lại còn phải đánh giá thêm về hành vi, tính cách của tôi?

Thật ra, phỏng vấn hành vi có mức độ quan trọng của riêng nó, chứ nhà tuyển dụng cũng chẳng dư thời gian, rảnh rỗi để bày vẽ thêm đâu. Phỏng vấn hành vi sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ hơn về cách hành xử của ứng viên khi làm việc, cách giao tiếp với mọi người, phối hợp với đồng nghiệp trong công việc, cách xử lý mâu thuẫn phát sinh khi làm việc, và có thể nhìn được tinh thần trách nhiệm của họ với công việc, sự nghiêm túc/chuyên nghiệp khi làm việc với khách hàng, đối tác nữa. Đồng thời, phần phỏng vấn hành vi cũng giúp HR nhìn ra được mục đích ứng tuyển, lý do ứng viên có hứng thú với công việc và đánh giá khả năng gắn bó, xem họ có đồng hành lâu dài cùng công ty không?

>> Phỏng vấn ứng viên có thang điểm đánh giá theo các tiêu chí nào?

Phỏng vấn hành vi thường có những câu hỏi nào?

Từ chính những điều mà nhà tuyển dụng quan tâm khi đánh giá hành vi của ứng viên, thì chúng ta có thể dễ dàng rút ra được một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn hành vi, cụ thể như sau:

  • Đồng nghiệp cũ đánh giá thế nào về sự hoà đồng của bạn?
  • Bạn có tự tin khi giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác không?
  • Có bao giờ bạn làm việc nhóm tích cực và đóng góp nhiều cho sự thành công của lần teamwork đó không?
  • Khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, tranh cãi gay gắt với đồng nghiệp thì bạn xử lý thế nào?
  • Nếu công việc quá nhiều, cần hoàn thành gấp rút thì bạn sẽ làm gì, có mang việc về nhà hay tăng ca không?
  • Nếu để xảy ra sai sót trong công việc, gây thiệt hại cho công ty thì bạn có nhận trách nhiệm không?
  • Có ai từng khen bạn là người làm việc chuyên nghiệp/nghiêm túc chưa?
  • Điều gì ở công việc này khiến bạn thấy hứng thú và muốn gắn bó với nó?

Trên đây chỉ là một số ví dụ, chứ trong thực tế, HR khi phỏng vấn hành vi sẽ có bộ câu hỏi cực kỳ đa dạng, với nhiều câu hỏi khác nữa, điều quan trọng là bạn phải thật tự tin, trả lời rõ ràng, đi đúng vào trọng tâm và đính kèm một số ví dụ, dẫn chứng tình huống mà mình đã trải qua trong quá khứ để tăng tính thuyết phục.

Cách trả lời phỏng vấn hành vi sao cho ấn tượng

Để tăng cơ hội được nhận vào công ty làm việc, bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cố gắng ghi điểm, tạo ấn tượng tốt trong tất cả các vòng tuyển dụng, trong đó tất nhiên sẽ có phần phỏng vấn hành vi. Dưới đây là gợi ý cách giúp bạn trả lời phỏng vấn hành vi sao cho ấn tượng:

  • Trả lời chân thật, đảm bảo sự trung thực, không gian dối để hoàn hảo hoá bản thân;
  • Nếu mình có những hành vi chưa tốt, chưa chuẩn mực trong quá khứ, thì cần nhanh chóng phát hiện, sửa đổi để hoàn thiện bản thân và ghi điểm trong phần phỏng vấn hành vi;
  • Khéo léo lồng ghép những điểm mạnh, điểm tốt về hành vi mà mình đang thật sự có, chẳng hạn như giao tiếp tự tin, hoà đồng, phối hợp làm việc nhóm ăn ý, giải quyết mâu thuẫn khéo kéo, có tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, muốn gắn bó lâu dài với công ty,…
  • Kèm theo những dẫn chứng, ví dụ thực tế về các tình huống trong quá khứ mà mình đã từng trải qua, để nhà tuyển dụng có cái nhìn rõ hơn và tăng tính thuyết phục, vì đây là phần phỏng vấn hành vi nên những tình huống càng cụ thể sẽ càng ghi điểm, nhưng cần đi thẳng vào vấn đề, tránh việc lan man, lạc đề.

>> Không có kinh nghiệm làm việc thì phải làm sao khi ứng tuyển?

Những lỗi nên tránh khi trả lời phỏng vấn hành vi

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý những lỗi nên tránh khi trả lời phỏng vấn hành vi. Trên thực tế, có một số ứng viên năng lực làm việc tốt, hành vi cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng khi trả lời phỏng vấn hành vi lại vô tình nói ra những điều không nên nói hoặc mắc phải một số lỗi nên bị trừ điểm/mất điểm một cách oan uổng, chẳng hạn như:

  • Trả lời sơ sài, đại khái vì cho rằng đây chỉ là phần phụ, không quan trọng, không liên quan tới công việc;
  • Gian dối, nói sai sự thật để hoàn hảo hoá bản thân, nhưng khó lòng qua mắt được nhà tuyển dụng;
  • Câu sau đá câu trước, trả lời không ăn nhập với nhau, mâu thuẫn giữa các câu trả lời, hoặc mâu thuẫn giữa câu trả lời với hành động thực tế khi phỏng vấn (ví dụ nói mình tự tin giao tiếp nhưng đi phỏng vấn lại run, lắp bắp);
  • Vô tư nói ra những khuyết điểm về hành vi mà nhà tuyển dụng chưa hỏi tới, hoặc nói về điểm yếu nhưng chưa đính kèm thêm cách mà mình đang cố gắng để khắc phục chúng;
  • Trả lời phỏng vấn hành vi theo kiểu lý thuyết suông, sáo rỗng, chưa có ví dụ, dẫn chứng cụ thể;
  • Trả lời lan man, dài dòng, không đi đúng vào trọng tâm, cuối cùng chẳng đọng lại gì hoặc bị lạc đề luôn.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ phỏng vấn hành vi là gì, thường có những câu hỏi nào, vì sao HR quan tâm đến hành vi của ứng viên, đồng thời, gợi ý cách trả lời phỏng vấn hành vi sao cho ấn tượng, tránh mắc phải những lỗi sai khiến mình bị mất điểm một cách đáng tiếc. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 3 yếu tố đảm bảo sự chuyên nghiệp khi ứng tuyển việc làm

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý