Phỏng vấn là buổi trao đổi trực tiếp giữa nhà tuyển dụng với ứng viên, nhằm kiểm tra, đánh giá xem ứng viên có đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc ở vị trí họ đang ứng tuyển không. Đồng thời, trong buổi này, nhà tuyển dụng cũng sẽ tìm hiểu rõ hơn về tính cách ứng viên thông qua các câu hỏi phỏng vấn. Điều này sẽ khiến một số ứng viên thắc mắc rằng sao tự dưng lại hỏi về tính cách của mình, liệu nó có liên quan gì tới công việc sau này không? Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem phỏng vấn tính cách là gì, để làm gì, và trả lời thế nào để nhà tuyển dụng ấn tượng?
>> Phỏng vấn ứng viên có thang điểm đánh giá theo các tiêu chí nào?
Phỏng vấn tính cách là gì?
Phỏng vấn tính cách thường sẽ là một phần trong buổi phỏng vấn xin việc, bao gồm một số câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra để tìm hiểu rõ hơn về tính cách của ứng viên. Bên cạnh năng lực làm việc, những điểm mạnh liên quan đến công việc, thì nhà tuyển dụng cũng có sự quan tâm đến hành vi, quan điểm làm việc và tính cách của ứng viên. Chính vì thế, khi được hỏi đến phần này, ứng viên cần trả lời một cách nghiêm túc, chân thật, tránh việc nghĩ những câu hỏi này không quan trọng rồi trả lời lung tung, đùa giỡn thái quá, vì như thế sẽ khiến bạn bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Vì sao nhà tuyển dụng quan tâm tới tính cách ứng viên?
Vì sao nhà tuyển dụng quan tâm tới tính cách ứng viên? Thật ra, khi đi làm, tính cách cũng góp phần tác động tới tinh thần làm việc, quan điểm làm việc, sự nghiêm túc trong công việc, và tất nhiên những điều đó sẽ quyết định đến kết quả làm việc. Nếu một ứng viên có năng lực làm việc tốt, vững kiến thức chuyên môn, nhưng tính cách lại kỳ cục, lười biếng, hoặc nóng nảy, dễ xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp khi làm việc, thì cũng khó lòng mang về kết quả làm việc tốt. Ngược lại, một ứng viên có năng lực chỉ ở mức khá, kiến thức chuyên môn cũng tương đối, nhưng có nhiều tính cách tốt, hoà đồng, chăm chỉ, cẩn thận,… thì trong tương lai họ có thể sẽ tiến bộ và mang về kết quả làm việc tốt.
Tính cách có ảnh hưởng đến công việc, chính vì thế, nhà tuyển dụng quan tâm tới tính cách ứng viên là điều hoàn toàn hợp lý, và trong buổi phỏng vấn xin việc thường sẽ có luôn phần phỏng vấn tính cách.
>> Nhà tuyển dụng cần ứng viên mang theo những gì khi phỏng vấn?
Phỏng vấn tính cách thường có bao nhiêu câu hỏi?
Tuỳ vào từng công ty, tuỳ vào từng vị trí ứng tuyển, thì phần phỏng vấn tính cách sẽ linh hoạt với số lượng câu hỏi khác nhau. Nếu công ty đó, công việc đó quan trọng tính cách ứng viên, thì sẽ hỏi nhiều hơn, còn với đặc trưng một số công việc ít bị tác động bởi tính cách, thì sẽ có ít câu hỏi hơn. Xét trên mặt bằng chung thì phần phỏng vấn tính cách thường sẽ có khoảng 3 câu hỏi, chủ yếu sẽ kiểm tra về sự hoà đồng với mọi người xung quanh, sự chăm chỉ/cố gắng và sự cẩn thận/tỉ mỉ trong công việc. Tất nhiên, vẫn có thể nhà tuyển dụng sẽ xoáy vào một số tính cách khác nữa, bạn sẽ không thể biết trước được nhà tuyển dụng sẽ hỏi gì trong buổi phỏng vấn, điều quan trọng là bạn bình tĩnh và trả lời sao cho ấn tượng.
Trả lời phỏng vấn tính cách thế nào để nhà tuyển dụng ấn tượng?
Phỏng vấn tính cách là một phần của buổi phỏng vấn xin việc, để nhà tuyển dụng ấn tượng thì bạn cũng chỉ cần follow theo cách trả lời phỏng vấn thông thường thôi. Tức là bạn cần phải chắt lọc ra những tính cách nổi trội của bản thân mà mình thật sự có, nhất là những tính cách liên quan nhiều tới công việc, tác động nhiều tới kết quả làm việc, chẳng hạn như sự hoà đồng, chăm chỉ, cẩn thận,… Khi được nhà tuyển dụng hỏi tới, thì bạn cứ bình tĩnh trả lời, kèm theo những dẫn chứng cụ thể trong quá khứ để tăng tính thuyết phục, giúp nhà tuyển dụng tin rằng bạn thật sự có tính cách như thế.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự chuẩn bị trước ở nhà, soạn ra sẵn một số câu trả lời và tập dượt trước để mình có thể trả lời phỏng vấn tính cách một cách tự tin, lưu loát hơn, nhưng lưu ý rằng bạn cần trả lời một cách tự nhiên, linh hoạt, đừng học thuộc lòng rồi đọc lại như đang trả bài nhé. Ngoài ra, bạn cũng cần nhớ rằng, bạn có gì thì nói ra điều đó, đúng sự thật, tránh việc bịa đặt, gian dối để hoàn hảo hoá bản thân, vì cây kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra, bạn không che giấu mãi được đâu, nhất là khi đó là tính cách, mà nếu lỡ bị phát hiện rồi thì chắc chắn hình ảnh bạn sẽ trở nên cực kỳ xấu xí và có thể bị đào thải khỏi môi trường làm việc của công ty, họ sẽ khó lòng chấp nhận một nhân viên gian dối, thiếu trung thực.
>> 12 dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng đậu phỏng vấn
Những tính cách xấu cần tránh nói ra kẻo bị trừ điểm
Ở phần trước, chúng ta có một lưu ý rằng cần phải đảm bảo tính trung thực khi được nhà tuyển dụng phỏng vấn về tính cách. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhà tuyển dụng không hỏi trực tiếp, nhưng ứng viên lại vô tình buột miệng nói ra, mà xui rủi thay đó lại là những tính cách xấu cần tránh, khiến bạn tự dưng lại bị trừ điểm một cách đáng tiếc. Vậy đó là những tính cách nào? Đầu tiên, đó là nóng tính, điều này sẽ khiến bạn khó lòng hoà nhập với đồng nghiệp, khó lòng phối hợp teamwork với mọi người trong các công việc chung, và cũng dễ xảy ra mâu thuẫn khiến công ty bị mất đoàn kết nội bộ, tác động xấu tới kết quả làm việc. Tiếp theo, đó là vội vàng, thiếu cẩn thận, nói thẳng ra là ẩu, đây cũng là một tính cách xấu cần tránh nói ra, vì sự thiếu cẩn thận sẽ khiến bạn dễ xảy ra sai sót trong công việc.
Bên cạnh đó, cũng còn một số tính cách xấu khác như lười biếng, ham chơi, trì hoãn, thiếu tập trung, nhiều chuyện,… nói chung không được hỏi đến thì mình cứ im lặng bỏ qua, vì như thế là mình khéo léo, chứ không phải là thiếu trung thực. Còn khi lỡ bị nhà tuyển dụng hỏi thẳng vào tính cách đó, thì bạn vẫn cần phải trung thực nói ra, nếu đó là tính cách xấu mà mình đang có thì bạn cần đưa ra giải pháp để khắc phục trong tương lai, hoặc tốt hơn là bạn nên chủ động khắc phục chúng từ trước khi bước đến buổi phỏng vấn, vì chúng không chỉ gây ấn tượng xấu trong phần phỏng vấn tính cách, mà còn ảnh hưởng xấu tới kết quả làm việc và cản trở thành công trong tương lai của bạn.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu phỏng vấn tính cách là gì, vì sao nhà tuyển dụng quan tâm tới tính cách ứng viên, đồng thời, gợi ý cách trả lời sao cho ấn tượng, tránh nói ra những điều không nên. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn, giúp bạn xuất sắc vượt qua buổi phỏng vấn sắp tới!
>> Những cách trả lời dại dột khiến bạn bị trượt phỏng vấn
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.