Các bạn học sinh, sinh viên cuối cấp sẽ phải chia tay nhau sau khi kết thúc năm lớp 9, lớp 12 và năm cuối đại học. Đây là quy luật bình thường vì mỗi người sẽ có hướng đi, dự định khác nhau, chứ không thể nào cứ học chung hay gắn bó theo nhau hoài được. Vì đã trải qua 3-4 năm học chung, nên tất nhiên các em sẽ có sự lưu luyến, không muốn rời xa, khóc lóc chia tay sướt mướt, đó là cảm xúc bình thường của mỗi người. Tuy nhiên, sau này khi tới thời điểm hẹn họp lớp, thì hầu như cả lớp khó lòng có mặt đầy đủ, vậy là sao ta? Vì sao lúc tốt nghiệp lưu luyến mà họp lớp ít người tham gia?
>> Họp lớp là gì, gặp lại bạn cũ thì nên nói chuyện gì?
Họp lớp ít người tham gia vì bận công việc
Mỗi người sẽ có những lý do riêng để từ chối, không có mặt đầy đủ khi đi họp lớp, khiến các buổi họp lớp có ít người tham gia, phổ biến nhất chính là bận công việc. Khi đã ra trường đi làm, mỗi người sẽ có những công việc riêng, đa số làm trong giờ hành chính, nhưng cũng có nhiều người làm theo ca, làm buổi tối, kể cả cuối tuần, hoặc phải thường xuyên tăng ca, lúc nào cũng trong trạng thái bận kín lịch, nên khó lòng sắp xếp hay xin nghỉ, xin dời lịch làm việc chỉ để đi họp lớp.
Các buổi họp lớp thường cũng sẽ kéo dài cả buổi, cả ngày, hết tăng 1, rồi tới tăng 2, tăng 3, ăn uống xong lại đi chơi, ngồi tám chuyện, nên vướng công việc không sắp xếp đi được cũng là điều dễ hiểu và có thể thông cảm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mọi người vì không muốn đi, nên viện lý do bận công việc để vắng mặt trong các buổi họp lớp, nên khi khảo sát vì sao họp lớp ít người tham gia, thì lý do bận công việc luôn nằm trong top đầu.
Họp lớp ít người tham gia vì bận chuyện gia đình
Bên cạnh chuyện bận công việc, vướng lịch làm việc, thì có một lý do khác cũng khá phổ biến khiến các buổi họp lớp thường có ít người tham gia, chính là vì bận chuyện gia đình, con cái, nên không tham gia họp lớp được. Đây cũng là điều hợp lý, nhất là với những bạn nữ có con nhỏ, mới sinh em bé, đi họp lớp mà để bé ở nhà thì lại không ai trông, mà dắt bé theo cũng bất tiện, chồng không đồng ý,… Sẽ có rất nhiều lý do phát sinh khác xoay quanh chuyện này, mà khi đã có em bé hoặc có gia đình, thì nhiều người cũng sẽ ưu tiên chuyện gia đình, con cái lên hàng đầu, chứ việc đi họp lớp, họp mặt bạn bè cũ cũng không còn quan trọng nữa.
>> Như thế nào là bạn tốt, chơi được lâu dài?
Một số bạn thay đổi nơi ở, về quê hoặc định cư nước ngoài
Bên cạnh các lý do bận bịu này kia, thì có một nguyên nhân hiển nhiên khác khiến nhiều bạn không đi họp lớp được, khiến các buổi họp lớp có ít người tham gia chính là vì thay đổi nơi ở, đã về quê, đi tỉnh khác làm việc hoặc đi định cư nước ngoài. Khoảng cách địa lý khiến không thể đi họp lớp được, đây là lý do hoàn toàn thuyết phục mà không ai có thể phản bác, và cũng chẳng ai trách được, vì không ở đó thì làm sao mà đi họp lớp? Có thể bạn cho rằng lý do này khá hiếm, nhưng thực tế sau này 3-4 năm sau, không ai có thể nói trước tương lai, những dự định về thay đổi nơi ở, hoặc phải di chuyển đi tỉnh khác để làm việc, kiếm tiền, là điều khó lòng biết trước.
Xa mặt cách lòng, không còn lưu luyến đi họp lớp với bạn cũ
Một điều khá phũ phàng nhưng cũng là thực trạng khá phổ biến, đó chính là lúc tốt nghiệp ai cũng lưu luyến, khóc lóc sướt mướt, không nỡ rời xa, nhưng khi lâu ngày không gặp, tận 2-3 năm không gặp, xa mặt cách lòng, thì hầu như chúng ta sẽ không còn nhiều lưu luyến, xem việc đi họp lớp với bạn cũ là điều không quá quan trọng nữa. Tầm 3-4 năm sau, đi làm ở nhiều công ty, hoặc trong cuộc sống gặp mặt thêm người này người kia, chúng ta sẽ có thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ mới, thậm chí đi làm còn gặp đồng nghiệp mỗi ngày, hoặc từ cấp 3 chuyển lên đại học cũng gặp bạn đại học mỗi ngày, nên tất nhiên sẽ thân thiết hơn những người bạn ở lớp cũ cả năm chưa chắc gặp nhau được 1 lần.
>> Làm thế nào để sinh viên hoà nhập với bạn bè ở đại học?
Ngại bị hỏi chuyện cá nhân, lập gia đình, mức lương khi đi họp lớp
Ngoài những nguyên nhân kể trên, thì còn một lý do cực kỳ thiết thực khiến không ít người cảm thấy ngán ngẩm, không muốn đi họp lớp, chính là vì ngại bị hỏi chuyện cá nhân, chuyện lập gia đình, lấy vợ/chồng, sinh con, công việc, so sánh mức lương,… nói chung là một số chuyện khá tế nhị mình không muốn chia sẻ, nhưng khi đi họp lớp thì khả năng cao sẽ bị bạn bè cũ hỏi thăm những điều này.
Có thể họ cũng bình thường, không có ý nhiều chuyện gì, chỉ đơn giản là muốn hỏi thăm thôi, nhưng vô tình chuyện này lại khiến chúng ta ngần ngại, không muốn tham gia các buổi họp lớp, để hạn chế bị hỏi những điều mình không muốn chia sẻ, nhất là với những ai đang không gặp thuận lợi trong chuyện gia đình, công việc, lương bổng, thì lại càng ngại chia sẻ hơn. Rút kinh nghiệm điều này, nếu bạn sắp đi họp lớp trong tương lai, thì hãy hạn chế tránh hỏi những thông tin này, tránh khiến nhau rơi vào trạng thái sượng trân nhé, nếu ai muốn chia sẻ thì họ sẽ tự chủ động chia sẻ.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng vì sao lúc tốt nghiệp lưu luyến mà họp lớp ít người tham gia? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Sinh viên bị bạn bè chơi xấu thì xử lý thế nào cho khéo?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.