Bạn Là Nhân Viên Giỏi – Làm Thế Nào Để Doanh Nghiệp Giữ Chân Bạn?

Nhân viên giỏi là những người luôn biết cách hoàn thành tốt công việc của mình, tạo ra giá trị và năng suất cao hơn nhiều trong thời gian ngắn hơn so với những người khác, đồng thời, biết cách sáng tạo trong công việc, tạo ra những phương pháp làm việc mới và thật sự hiệu quả. Họ là những người luôn biết học hỏi và tiến bộ qua từng ngày, từng trải nghiệm công việc. Họ là những người thật sự có tâm huyết với công việc, với sự phát triển của bản thân và sự phát triển của doanh nghiệp. Họ là những người luôn tạo cho lãnh đạo cảm giác an tâm mỗi khi giao cho họ bất kỳ công việc nào, kể cả các công việc phức tạp, khó khăn và mang tính thách thức cao.

Tóm lại, nhân viên giỏi là những người có đóng góp rất lớn cho doanh nghiệp, là những mắt xích chủ chốt gắn liền với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Họ có thể mang đến những thay đổi thần kỳ, những lợi thế cạnh tranh và tạo ra sự đột phá cho doanh nghiệp. Vậy bạn có đáp ứng được những tiêu chí trên để được đánh giá là một nhân viên giỏi chưa? Nếu có, chúc mừng bạn! Tìm ra những giải pháp nhằm giữ chân bạn chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp đó!

>> 6 yếu tố mấu chốt quyết định lòng trung thành của nhân viên với doanh nghiệp

Xây dựng chính sách lương – thưởng phù hợp

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam trả cho nhân viên một khoản lương cố định vào cuối mỗi tháng, tức là trả lương theo thời gian làm việc. Nhưng bên cạnh đó cũng có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trả lương theo hiệu quả công việc, tức là nhân viên vẫn được trả một khoản lương cố định hàng tháng, nhưng bên cạnh đó, họ còn được nhận thêm những khoản thưởng khi hoàn thành tốt các công việc hay khi có những sáng kiến mới.

Vậy phương pháp nào thật sự làm cho nhiều nhân viên hài lòng hơn? Đó chính là trả lương theo hiệu quả công việc có thưởng. Bởi vì khi doanh nghiệp chỉ trả một khoản lương cố định hàng tháng cho nhân viên thì chỉ mua được thời gian của họ, họ sẽ đi làm đúng giờ, mỗi ngày đủ 8 tiếng để cuối tháng lãnh lương, họ đi làm đều đặn nhưng chưa chắc họ thật sự làm được những gì trong khoảng thời gian 8 tiếng ấy. Họ có toàn tâm toàn ý làm việc để nhanh chóng hoàn thành công việc một cách tốt nhất hay họ sẽ làm việc một cách rề rà, chậm chạp và thường làm việc riêng? Nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, các nhân viên trong doanh nghiệp dần dần sẽ có một tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu quả.

Những nhân viên giỏi không thích điều này vì họ thích làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Hơn nữa, họ cũng sẽ cảm thấy không hài lòng khi họ chỉ được đối đãi như một nhân viên bình thường cho dù họ phải làm việc vất vả hơn và những công việc của họ thường phức tạp, thách thức hơn. Họ sẽ cảm thấy không công bằng khi làm việc trong một doanh nghiệp chỉ trả lương theo thời gian làm việc như thế. Họ thích và sẽ làm việc tốt, thậm chí là trung thành cao với những doanh nghiệp trả lương theo hiệu quả công việc có thưởng. Họ sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng khi những cố gắng, những nỗ lực, những đóng góp của họ đã được ghi nhận và trả công xứng đáng.

Để làm tốt việc trả lương theo hiệu quả công việc có thưởng, các doanh nghiệp cần cải thiện hệ thống thang bảng lương của mình sao cho thật công bằng, phải trả công xứng đáng cho những nhân viên làm công việc mang tính thách thức cao hoặc đạt thành tích cao, đồng thời, doanh nghiệp phải minh bạch hệ thống lương thưởng của mình.

>> Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu? – Câu trả lời tối ưu nhất

Chú trọng chế độ bảo hiểm, phụ cấp

Chi phí cho các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp thường không cao, doanh nghiệp hoàn toàn có thể hỗ trợ nhân viên những khoản tiền này. Tiền lương của nhân viên, đặc biệt là nhân viên giỏi hoàn toàn có thể trang trải những khoản phí ấy, tuy nhiên, họ thường cảm thấy bản thân mình được quan tâm hơn và cảm thấy nhu cầu an toàn lao động của mình được thỏa mãn hơn khi doanh nghiệp đứng ra lo cho họ đầy đủ các loại bảo hiểm trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng việc hỗ trợ những khoản phụ cấp cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên giỏi. Vì nhân viên giỏi thường xuyên phải làm những công việc căng thẳng, phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm cao nên họ cần được hưởng những khoản phụ cấp trách nhiệm công việc. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính công bằng, các nhân viên thường phải đi công tác xa, ở những nơi có mức độ khắc nghiệt về nhiệt độ, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần cũng cần được hưởng phụ cấp khu vực.

Giữ chân nhân viên giỏi bằng cổ phiếu

Cổ phiếu là cơ sở xác nhận quyền sở hữu và điều hành doanh nghiệp của một cá nhân. Tức là khi một người nắm giữ cổ phiếu của một doanh nghiệp, họ sẽ được xem như là chủ sở hữu của doanh nghiệp, có quyền điều hành và hưởng lợi tức từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một cơ quan nghiên cứu xã hội ở Mỹ đã công bố một kết quả nghiên cứu của mình, kết quả cho thấy quyền sở hữu của nhân viên đối với doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của thành tích và hiệu quả lao động. Lương thưởng rõ ràng là không thể thiếu và có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng nếu nhân viên có được quyền sở hữu doanh nghiệp thông qua việc nắm giữ cổ phiếu thì hiệu suất làm việc và sự gắn kết của họ sẽ cao hơn rất nhiều. Đây chính là điểm mấu chốt để nhiều doanh nghiệp giữ chân nhân viên giỏi của mình.

Các doanh nghiệp thường chia cho nhân viên giỏi một số lượng nhất định cổ phiếu của mình dưới hình thức tặng hoặc thưởng, tùy thuộc vào năng lực của từng nhân viên, đủ để họ gắn bó và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp cũng như cho lợi ích của chính họ. Ngoài ra, đa số nhân viên giỏi thường có tâm lý muốn làm chủ, muốn điều hành doanh nghiệp. Việc trao cho họ nắm giữ cổ phiếu cũng chính là cách để tạo cho họ tâm lý làm chủ, sẽ giúp họ thỏa mãn và cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc, sẽ toàn tâm toàn ý cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy nguồn nhân lực. Văn hóa doanh nghiệp tốt thường được hình thành dựa trên sự hòa quyện của phong cách lãnh đạo và phong cách làm việc của nhân viên. Tức là nó cần dựa trên sự đồng thuận của cả hai bên, người lãnh đạo lẫn toàn thể nhân viên.

Vì thế, để giữ chân những nhân viên giỏi, doanh nghiệp cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tốt, không quá gò bó và khuôn khổ, kích thích được sự đoàn kết, vui vẻ, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa toàn thể nhân viên. Doanh nghiệp phải cho nhân viên thấy những giá trị mà họ sẽ nhận được khi hòa nhập vào văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tạo môi trường làm việc thân thiện giữa cấp trên và cấp dưới, tránh để khoảng cách giữa hai cấp quá xa. Khi ấy, nhân viên sẽ cảm nhận được họ là một phần của tập thể, sẽ quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn, sẽ gắn bó và cống hiến hết mình vì lợi ích chung của cả doanh nghiệp.

>> Phải làm gì khi mắc lỗi sai trong công việc?

Tạo môi trường làm việc thoải mái, tiện nghi

Sẽ thế nào nếu nhân viên phải làm việc tại một căn phòng chật hẹp, cũ kỹ, không cửa sổ, chỉ có một chiếc quạt trần giữa mùa hè oi bức? Sẽ thế nào nếu phòng làm việc của nhân viên nằm ngay bên cạnh một khu chợ ồn ào, không kính cách âm? Sẽ thế nào nếu bàn làm việc của nhân viên chỉ có giấy tờ và một chiếc điện thoại bàn mà không hề có máy vi tính? Sẽ thế nào khi nhân viên muốn in một tài liệu quan trọng mà phải chạy ra ngoài công ty để tìm tiệm in? Đó là những điều kiện làm việc mà thậm chí một nhân viên bình thường cũng chưa chắc chấp nhận.

Những nhân viên giỏi thường thích một môi trường làm việc thoải mái, nơi họ có thể thỏa sức sáng tạo, nghĩ ra những sáng kiến, những đổi mới cần thiết cho công việc hoặc ít ra cũng đủ yên tĩnh để họ có thể tập trung suy nghĩ những chiến lược kinh doanh, những hướng giải quyết các vấn đề phức tạp của công việc và đưa ra những quyết định quan trọng đối với sự thành bại của doanh nghiệp.

Vì thế, doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng môi trường làm việc thoải mái, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tiếng ồn, đồng thời, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho công việc của nhân viên. Ngoài ra, thêm một vài chậu cây nhỏ bên cửa sổ cũng không phải là thừa.

Tăng tính hấp dẫn, thách thức, linh hoạt của công việc

Hầu hết những nhân viên giỏi là những người có khả năng sáng tạo cao, họ thích đối đầu với những công việc mới mẻ, hấp dẫn và nhiều thách thức. Nếu doanh nghiệp không giao cho họ những công việc phù hợp với năng lực thật sự của họ, họ sẽ cảm thấy chán nản và có ý định bỏ việc. Vì thế, doanh nghiệp nên cho nhân viên giỏi có cơ hội tiếp xúc với những công việc mang tính mới mẻ, tránh lặp đi lặp lại nhiều lần một việc, đồng thời, công việc đó phải có sức hấp dẫn và thách thức, để họ thấy rằng khi làm công việc ấy thì họ sẽ có cơ hội để sáng tạo, để trau dồi, phát triển bản thân. Khi được tiếp xúc với những công việc mang tính hấp dẫn, thách thức, các nhân viên giỏi thường cảm thấy thỏa mãn và có ý định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ngoài ra, những nhân viên giỏi, có nhiều ý thưởng sáng tạo thường thích một chế độ làm việc linh hoạt. Khi không bị gò bó về thời gian, không phải ngồi yên ở công ty suốt tám tiếng mỗi ngày, họ sẽ chủ động hơn trong công việc của mình, họ sẽ cảm thấy thoải mái để sáng tạo hơn và đạt năng suất cao hơn.

>> 10 cách giúp bạn trở thành người chuyên nghiệp

Đào tạo, phát triển kiến thức, kỹ năng nâng cao cho nhân viên giỏi

Chất lượng nhân viên đã trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Có không ít doanh nghiệp dành nhiều thời gian và chi phí để thu hút và tuyển dụng những nhân viên giỏi, nhưng khi có được họ rồi thì không chú trọng công tác đào tạo cho họ, khiến họ nhanh chóng ra đi. Vì thế, doanh nghiệp nên quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo các kỹ năng, các kiến thức nâng cao cho những nhân viên giỏi để họ có thể không ngừng phát triển năng lực của mình. Đây cũng là một nhân tố không kém phần quan trọng trong việc tạo ra động lực và sự gắn bó của nhân viên giỏi với doanh nghiệp.

Đó có thể là những kiến thức chuyên sâu, liên quan đến công việc của nhân viên, những kỹ năng giúp họ vận hành và sử dụng máy móc, trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại hoặc những kỹ năng cần thiết cho cơ hội thăng tiến của họ như kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, đàm phán, quản lý thời gian, thiết kế công việc.

Việc đào tạo và phát triển nâng cao cho nhân viên giỏi cần được thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng gián đoạn trong thời gian dài. Ngoài ra, mời các chuyên gia, các khách mời có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đến để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng sẽ truyền thêm lòng yêu nghề cho nhân viên, kích thích nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đạt được nhiều thành tích hơn, muốn được trao những nhiệm vụ có tính thách thức cao hơn và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn.

Trọng dụng nhân viên giỏi

Trọng dụng ở đây bao gồm việc lãnh đạo ủy quyền, trao bớt quyền điều hành một số công việc cho các nhân viên giỏi và chú trọng công tác đề bạt, thăng tiến cho những nhân viên có đủ tài năng và tố chất.

Một người lãnh đạo giỏi là một người biết trao quyền một cách hợp lý. Khi trao quyền, họ sẽ giảm bớt được một khối lượng đáng kể công việc, đồng thời, điều đó còn tạo cơ hội cho cấp dưới tiếp xúc với những công việc mới và học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những công việc đó. Nhân viên giỏi luôn mang trong mình tâm lý muốn học hỏi, trau dồi không ngừng các kiến thức, kỹ năng của mình, đồng thời, họ đủ bản lĩnh để nhận những thử thách và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, nhân viên giỏi cũng đủ thông minh để nhận ra rằng không một vị lãnh đạo nào lại trao quyền, giao việc cho một người không có năng lực. Vì thế, khi được trao quyền, họ sẽ cảm nhận lãnh đạo đã nhận thấy và tin tưởng vào năng lực bản thân của họ. Lúc ấy, nhu cầu tự thể hiện của họ đã được thỏa mãn, sẽ không lý do gì có thể khiến họ quyết định nghỉ việc.

Những nhân viên giỏi thường là những người có tham vọng cao. Họ luôn muốn những thành quả, những nỗ lực, những cống hiến trong công việc của họ được công nhận. Họ luôn muốn mình sẽ có một vị trí xứng đáng với năng lực thật sự của bản thân. Vì thế, bên cạnh phương pháp động viên nhân viên giỏi bằng các khoản tiền thưởng hay giấy khen, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đúng mực tới việc đề bạt, thăng chức cho những nhân viên có đủ trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và tố chất lãnh đạo. Khi họ có được một vị trí phù hợp với năng lực của mình, họ sẽ điều hành và hoàn thành công việc một cách tốt hơn, sẽ phát huy được đầy đủ các thế mạnh của bản thân, sẽ áp dụng được nhiều phương pháp làm việc mới mẻ và hiệu quả mà trước đây họ đã từng nghĩ ra nhưng chưa đủ quyền hạn để thực hiện. Ngoài ra, khi đã có một vị trí ổn định, phù hợp với nguyện vọng và năng lực, các nhân viên giỏi sẽ tâm huyết và gắn bó với doanh nghiệp hơn. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ hoạt động một cách hiệu quả hơn, trơn tru hơn và sẽ có những bước đột phá hơn.

>> 4 yếu tố cực kỳ quan trọng giúp nhân viên được sếp trọng dụng

Áp dụng các phương pháp trên có thể giúp nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên, từ đó tạo cho nhân viên thái độ làm việc tích cực, nhiệt tình hơn, tin tưởng, trung thành hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh.
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Làm Sao Để Tạo Được Nhiều Giá Trị Trong Công Việc?

Chuyển Sang Làm 1 Công Việc Hoàn Toàn Mới, Nên Hay Không?

Vì Sao Thử Việc Bằng 85% Lương Chính Thức, Có Thấp Quá Không?