6 Yếu Tố Mấu Chốt Quyết Định Lòng Trung Thành Của Nhân Viên Với Doanh Nghiệp

Lòng trung thành của nhân viên là sự mong muốn được đóng góp và gắn bó lâu dài của họ với doanh nghiệp vì một mục tiêu chung. Tức là họ sẽ dành rất nhiều tâm huyết để cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và họ tin rằng khi doanh nghiệp đạt được thành công thì bản thân họ cũng đạt được mục tiêu của mình. Đây chính là mối quan hệ mà cả hai bên cùng có lợi.

Lòng trung thành là chất keo gắn kết nhân viên với doanh nghiệp. Một nhân viên trung thành là người luôn tự hào mỗi khi nhắc về doanh nghiệp của mình, họ cảm thấy hãnh diện khi được là một thành viên của doanh nghiệp. Họ sẽ luôn kề vai sát cánh ngay cả những khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn.

>> 7 lý do nghỉ việc phổ biến nhất hiện nay

Lợi ích của việc xây dựng lòng trung thành của nhân viên

Xây dựng được lòng trung thành của nhân viên là một điều không hề dễ dàng, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể thành công trong việc ấy. Đó là một quá trình khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, chi phí và phải chấp nhận nhiều thay đổi. Tuy nhiên, khi đã xây dựng thành công lòng trung thành của nhân viên, doanh nghiệp sẽ nhận lại được những giá trị cực kỳ to lớn. Ta có thể liệt kê những giá trị ấy trên hai góc độ chính:

  • Về mặt doanh thu: Các nhân viên trung thành thường đã gắn bó với doanh nghiệp từ lâu, họ hiểu rõ phương pháp làm việc của doanh nghiệp, hiểu rõ những yêu cầu công việc và hiểu rõ tính cách, thế mạnh của các đồng nghiệp. Chính vì thế, hiệu quả làm việc của họ sẽ cao hơn, năng suất cao hơn, cả khi làm việc độc lập lẫn khi phải làm việc theo nhóm. Hơn nữa, họ luôn ý thức rằng lợi ích của họ gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp nên họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn, có trách nhiệm với công việc hơn, thậm chí dùng hết khả năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi các công việc, các nhiệm vụ được hoàn thành tốt, đạt năng suất cao thì chắc hẳn doanh thu của doanh nghiệp sẽ cao.
  • Về mặt chi phí: Những nhân viên trung thành sẽ ở lại làm việc với doanh nghiệp lâu dài, giúp doanh nghiệp tránh được những khoản chi phí đáng kể cho việc đăng quảng cáo, tổ chức các buổi tuyển dụng nhân viên mới và đào tạo cho đến khi họ đủ độ chín, đủ kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn cho công việc. Ngoài ra, việc giữ những nhân viên trung thành, có nhiều kinh nghiệm cũng giúp doanh nghiệp giảm đáng kể những chi phí sai hỏng do nhân viên mới, chưa có kinh nghiệm gây nên.

Tóm lại, khi có những nhân viên trung thành, doanh nghiệp sẽ tăng được đáng kể doanh thu và giảm được đáng kể các chi phí. Vì thế, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể, tăng cao hơn cả những chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để xây dựng lòng trung thành của nhân viên.

>> Bạn là nhân viên giỏi – Làm thế nào để doanh nghiệp giữ chân bạn?

Các yếu tố mấu chốt quyết định lòng trung thành của nhân viên

1. Lãnh đạo – cấp trên

Khi nhà lãnh đạo tạo được niềm tin mạnh mẽ hơn cho nhân viên vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, nhân viên sẽ luôn thấy tự hào khi được làm việc trong doanh nghiệp. Họ sẽ mong muốn gắn bó lâu dài và tích cực đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Năng lực của nhà lãnh đạo cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh tới lòng trung thành của nhân viên. Nó bao gồm các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng từ việc tổ chức, phân chia công việc cho đến quản lý nhân viên. Một nhà lãnh đạo có năng lực sẽ được các nhân viên nể phục và trung thành vì họ tin rằng khi gắn kết lâu dài với vị lãnh đạo này, ít nhiều họ cũng học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho bản thân.

Một nhà lãnh đạo biết trao quyền cũng là nguyên nhân giúp nhân viên gắn bó lâu dài với tổ chức. Khi lãnh đạo nhận biết được những thế mạnh của các nhân viên để trao cho họ đúng nhiệm vụ và quyền hạn để phát huy sở trường của mình, các nhân viên sẽ cảm thấy giá trị bản thân của mình đã được xem trọng, dẫn tới việc họ sẽ cảm thấy thỏa mãn và trung thành với doanh nghiệp hơn.

Lòng trung thành của nhân viên cũng tăng lên khi nhà lãnh đạo của họ là người thân thiện, công bằng, biết đưa ra những lời khen, biết lắng nghe ý kiến, biết quan tâm đến lợi ích của nhân viên và biết cách động viên, kích thích nhân viên làm việc hăng hay và hiệu quả. Đó là những đặc tính của một nhà lãnh đạo giàu tình cảm, biết quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu. Khi được làm việc với một vị lãnh đạo như thế, nhân viên sẽ cảm thấy mình được quan tâm hơn, giảm bớt đi nhiều áp lực của công việc nên họ sẽ trung thành hơn.

>> Có thể từ chối task của sếp với các lý do nào?

2. Đồng nghiệp

Người lao động luôn mong muốn làm việc trong một không khí thân thiện, hòa nhã với mọi người nên các mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ trung thành của họ đối với doanh nghiệp.

Nhân viên tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp của họ mỗi ngày. Những câu chào hỏi thân mật, những cử chỉ quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn. Những điều ấy sẽ giúp khích lệ, động viên tinh thần làm việc của nhân viên. Hơn nữa, khi có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, nhân viên sẽ cảm thấy hào hứng mỗi khi đến nơi làm việc, đó cũng là động lực khiến họ yêu thích công việc và muốn gắn bó với doanh nghiệp hơn.

>> Cách để làm quen với đồng nghiệp trong tuần đầu đi làm

3. Bản thân nhân viên

Mỗi nhân viên là một cá thể riêng và không ai giống ai. Các đặc tính riêng biệt của từng nhân viên cũng ảnh hưởng lớn đến lòng trung thành của họ với tổ chức. Một sinh viên mới ra trường và một người đã làm việc lâu năm sẽ có mức độ gắn bó khác nhau. Một người độc thân và một người đã có gia đình cũng có những mức độ trung thành khác nhau. Thậm chí mức độ gắn bó với doanh nghiệp của một người đã có gia đình nhưng chưa có con và một người đã có gia đình và đã có con cũng khác nhau.

Kỹ năng, kiến thức chuyên môn của nhân viên cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của họ. Khi một nhân viên thiếu kỹ năng, kiến thức trong xử lý công việc, trong việc vận hành các máy móc, thiết bị, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Nếu tình trạng này kéo dài, nhân viên sẽ cảm thấy chán nản và muốn bỏ việc. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp của nhân viên với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới, với khách hàng cũng cần được quan tâm. Một nhân viên có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ dễ dàng tạo được thiện cảm, tạo được mối quan hệ tốt, gắn bó với mọi người xung quanh. Khi họ gắn bó với những nhân viên khác trong doanh nghiệp hoặc những khách hàng thân thuộc của doanh nghiệp thì chắc chắn họ cũng sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

>> 8 tips giúp bạn thành công và thăng tiến trong công việc

4. Chính sách nhân sự

Có rất nhiều chính sách về nhân sự ảnh hưởng đến lòng trung thành của nhân viên. Ở đây, tôi chỉ đi sâu vào phân tích ba chính sách, đó là: chính sách tiền lương, chính sách khen thưởng và chính sách thăng tiến, đề bạt.

  • Chính sách tiền lương: Hiện nay, vấn đề nhảy việc dựa theo tiền lương đang là vấn đề nhức nhối cho nhiều doanh nghiệp. Vì thế, yếu tố tiền lương có ảnh hưởng không nhỏ đến lòng trung thành của nhân viên. Tiền lương bao gồm tiền lương tài chính và tiền lương phi tài chính. Ở đây, tôi chỉ phân tích về tiền lương tài chính. Tiền lương tài chính bao gồm tiền lương trược tiếp (lương cơ bản, tiền phụ trội, tiền lương vượt năng suất…) và tiền lương gián tiếp (bảo hiểm, trợ cấp, phúc lợi,…). Nếu tiền lương được trả một cách công bằng và xứng đáng với công sức bỏ ra của nhân viên thì họ sẽ hài lòng và sẽ ít có ý định tìm việc mới hơn, sẽ trung thành với doanh nghiệp hơn. Thu nhập được xem như thước đo cho sự thành đạt của nhân viên trong công việc, thu nhập cao làm cho nhân viên thấy thỏa mãn hơn về mặt vật chất để từ đó an tâm cống hiến, chú trọng đến công việc nhiều hơn và cố gắng chứng minh giá trị của mình nhiều hơn. Khi trả lương cho nhân viên, doanh nghiệp cần chú trọng tới tính công bằng vì nhân viên thường có xu hướng so sánh tiền lương của mình so với người khác, nếu họ nhận thấy có sự không công bằng thì họ sẽ có những phản ứng tiêu cực, thậm chí là có nguy cơ bỏ việc.
  • Chính sách khen thưởng: Tất cả những nhân viên đều muốn được khen thưởng cho những cống hiến hoặc đóng góp của họ theo những cách thức nhất định. Khi những đóng góp của họ được công nhận, họ sẽ cảm nhận được mình là một phần của doanh nghiệp và lòng trung thành của họ sẽ cao hơn. Thông thường, doanh nghiệp có hai cách để khen thưởng cho nhân viên, đó là: khen thưởng định kỳ (hàng quý, sáu tháng hoặc hàng năm) và khen thưởng theo công việc (tức là sau khi hoàn thành một công việc hay nhiệm vụ cụ thể). Nhân viên có thể nhận được thưởng từ doanh nghiệp không chỉ bằng tiền và không phải tất cả mọi người làm việc đều vì tiền. Tiền sẽ là nhân tố động viên mạnh mẽ đối với những nhân viên có nhu cầu vật chất, nhưng tiền có ảnh hưởng ít tới những người thích được thể hiện bản thân, thích được mọi người đề cao thành tích của mình, họ thích nhân được bằng khen hơn những khuyến khích vật chất. Do đó, việc khen thưởng phải phù hợp, phải thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của người lao động. Ngoài ra, những nhân viên có ý tưởng sáng tạo và khả thi cũng cần được khen thưởng để họ có thêm động lực để cống hiến và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
  • Chính sách thăng tiến, đề bạt: Thăng tiến cũng là một nhu cầu thiết thực của đa số nhân viên vì sự thăng tiến tạo cơ hội cho họ được phát triển, được nâng cao địa vị, uy tín cũng như quyền lực của mình. Vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm, xây dựng chính sách thăng tiến, đề bạt rõ ràng, cụ thể và đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Ngoài ra, các yêu cầu, tiêu chuẩn cho việc thăng tiến cũng cần được thiết kế kỹ lưỡng để tránh tối đa trường hợp một người được đề bạt lên một vị trí cao hơn năng lực chuyên môn của họ. Một doanh nghiệp có chính sách thăng tiến, đề bạt tốt, cho nhân viên thấy rõ những quyền hạn của mình khi ở một vị trí nào đó thì lòng trung thành của nhân viên sẽ cao.

5. Điều kiện làm việc

Điều kiện làm việc cũng có ảnh hưởng lớn tới lòng trung thành của nhân viên. Điều kiện làm việc bao gồm địa điểm, không gian làm việc và những phương tiện cần thiết để hỗ trợ cho công việc. Nhân viên luôn thích làm việc ở những địa điểm gần nhà, gần các trung tâm thương mại, thích văn phòng làm việc phải sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát với nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn vừa phải. Họ cũng thích nơi làm việc có đầy đủ các tiện nghi, trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công việc như máy vi tính, máy in, máy fax… để công việc được thực hiện suôn sẻ hơn. Khi được làm việc trong một môi trường tốt, phù hợp với mong muốn bản thân như thế, nhân viên sẽ có cảm giác thoải mái như đang ở trong chính ngôi nhà của mình, sẽ làm việc đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời, lòng trung thành của họ cũng cao hơn.

Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng cần được chú trọng. Nó là những giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Nhân viên sẽ cảm thấy hài lòng và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp khi họ cảm nhận được những giá trị từ môi trường văn hóa trong công sở của họ.

An toàn lao động cũng là một trong những vấn đề mà nhân viên quan tâm hàng đầu hiện nay. Không ai mong muốn làm việc trong một điều kiện làm việc nguy hiểm, không có các dụng cụ đảm bảo an toàn lao động, không có các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Nếu doanh nghiệp chú trọng tới an toàn lao động, chẳng hạn như mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho nhân viên, trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy trong công sở, khi ấy, nhân viên sẽ cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi đến nơi làm việc, sẽ cảm thấy nhu cầu an toàn của mình được thỏa mãn, sẽ trung thành với doanh nghiệp hơn.

6. Bản thân công việc – Ảnh hưởng lớn đến lòng trung thành của nhân viên

Bản thân công việc cũng chính là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến lòng trung thành của nhân viên. Một công việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực của nhân viên sẽ giúp nhân viên làm việc tốt hơn và gắn bó với doanh nghiệp hơn. Chính vì thế, trong quá trình tuyển dụng, việc chọn đúng người vào đúng vị trí rất quan trọng.

Một công việc với những quy trình đơn giản, lặp đi lặp lại mỗi ngày cũng dễ khiến nhân viên cảm thấy nhàm chán, lơ là khi làm việc. Vì thế, một chút thử thách, phức tạp, linh hoạt trong công việc sẽ giúp nhân viên cảm thấy bản thân mình ngày càng tiến bộ hơn, học hỏi được nhiều hơn mỗi khi tiếp xúc với những thử thách, khi giải quyết những vấn đề phức tạp của công việc. Khi họ nhận thức được mỗi ngày đi làm họ sẽ học được rất nhiều điều bổ ích, sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá thì họ sẽ không bao giờ có ý định chuyển việc.

Mức độ tự chủ của công việc cũng có tác động nhiều đến độ thỏa mãn của nhân viên. Khi nhân viên có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm với công việc, có quyền đưa ra những quyết định, những sáng kiến liên quan đến công việc khi cần thiết, họ sẽ cảm thấy bản thân mình được xem trọng, cảm thấy giá trị của bản thân mình được đề cao khi làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó, họ sẽ muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

>> Phải làm gì khi bị stress trong công việc?

Để giữ chân được nhân viên và hạn chế tối đa các trường hợp nghỉ việc, các doanh nghiệp cần phải nhận dạng, xem xét, đánh giá đúng các yếu tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của nhân viên. Dựa trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ có những hướng đi phù hợp trong công tác quản trị nguồn nhân lực của mình.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh.
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Bạn Có Chấp Nhận Mức Lương Thấp Hơn Để Học Hỏi & Phát Triển Không?

Quy Định Công Ty Ngày Càng Khắt Khe Thì Phải Làm Sao?

Mức Lương Ở Công Ty Cũ Là Bao Nhiêu? – Có Nên Trả Lời Không?